Bộ NN&PTNT - Bộ TN&MT thống nhất biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp thủy sản

Bạn đánh giá:  / 2
DỡHay 

Ngày 17/4/2018, Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) và VASEP nhằm giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp thủy sản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cùng chủ trì cuộc họp này.

 

Tại cuộc họp này, đại diện VASEP đã nêu 5 kiến nghị vướng mắc nhất của các DN thủy sản:

(1) Về việc vượt ngưỡng của chỉ tiêu phốt pho:

Theo VASEP, nếu giữ các quy định về kiểm soát phốt pho trong các thông số ô nhiễm như 11:2008/BTNMT thì DN thủy sản nào cũng bị phạt nếu kiểm tra. Nhiều DN thủy sản đã có ý thức bảo vệ môi trường và đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đáp ứng theo tiêu chuẩn cũ (QCVN 11:2008 không có chỉ tiêu phốt-pho) với chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng như Công ty Minh Phú đã đầu tư tới 55 tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải của một nhà máy nhưng vẫn bị phạt do nước thải không đạt chỉ tiêu Phốt pho. Trước đó, bằng nhiều văn bản, VASEP đã phản ánh vướng mắc của các DN chế biến thủy sản trong việc xử lý phospho là rất khó bởi nếu DN sử dụng nước ngầm trong sản xuất thì chỉ tiêu phospho có sẵn trong nước nhiều khi đã lên mức 19 mg/l, trong khi QCVN 11:2015 cho phép chỉ tiêu phospho trong nước thải đã là 20 mg/l nên sau quá trình SX của DN thì mức phospho chắc chắn vượt quá mức cho phép của QCVN 11:2015.

(2) Về việc vượt ngưỡng của chỉ tiêu Nitơ – Amoni

Hiện nay, giới hạn của hai thông số Amoni, tổng Nito trong QCVN 40:2011/BTNMT của Việt Nam đang cao hơn một số nước trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, đang làm cho các trạm xử lý của các KCN gặp vô cùng khó khăn trong việc xử lý đạt Amoni và tổng Nitơ. Thực trạng là hầu hết các trạm xử lý nước thải của các KCN có đạt hai thông số này nhưng không phải đạt trong mọi thời điểm, đặc biệt là chỉ tiêu Amoni và đó là lý do tại sao các KCN khắp cả nước chần chừ trong việc lắp đặt trạm quan trắc tự động cho dù quy định bắt buộc.

(3) Bất cập trong việc áp dụng QCVN giữa nhà máy thủy sản trong khu công nghiệp (KCN) và ngoài KCN.

Hiện DN chế biến thủy sản trong KCN đang phải áp dụng theo QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp và phải trả phí xử lý nước thải không đạt QCVN 40:2011/BTNMT cho đơn vị chủ quản KCN khiến chi phí rất cao. Điều này chưa phù hợp với chính sách khuyến khích của Nhà nước để di dời các nhà máy vào trong các KCN.

(4) Vướng mắc liên quan đến nước thải ao nuôi cá Tra

Hiện nay ngành tài nguyên môi trường đang không đồng ý áp dụng quy chuẩn QCVN 02-20:2014/BNNPTNT (của Bộ NN&PTNT) – "Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về cơ sở  nuôi cá tra trong ao, điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ATTP” mà yêu cầu nước thải của hoạt động nuôi cá tra phải đạt các chỉ tiêu gây ô nhiễm theo giới hạn quy định tại cột A QCVN 40:2011/BTNMT – "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp" được ban hành theo Thông tư số 47/2011/TT- BTNMT ngày 28/12/2011 của Bộ TN&MT.

Trong khi, thực tế điều kiện xử lý nước thải trong quá trình nuôi cá tra toàn bộ được áp dụng phương án xử lý lắng lọc sinh học trong ao lắng thải. Điều kiện xử lý nước thải trong quá trình nuôi cá tra không phù hợp và khả thi cho phương án đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy trình xử lý với thiết bị công nghiệp như ở các nhà máy chế biến thủy sản. Do đó, chất lượng nước thải từ ao nuôi cá tra trước khi thải ra môi trường bên ngoài yêu cầu có các chỉ tiêu gây ô nhiễm theo giới hạn cột A của QCVN 40:2011/BTNMT là rất khắt khe khó đạt được trong khi điều kiện xử lý chỉ ở phương án áp dụng biện pháp xử lý sinh học trong ao lắng thải.

(5) Đóng phí bảo vệ môi trường (BVMT) theo Nghị định 154/2016/NĐ-CP

Đầu năm 2017, nhiều DN hội viên VASEP đã phản ánh việc các Chi cục Môi trường các Tỉnh đang yêu cầu các nhà máy chế biến thủy sản phải đóng phí bảo vệ môi trường (BVMT) theo Nghị định 154/2016/NĐ-CP (NĐ154) bao gồm cả 4 chỉ tiêu kim loại nặng (Hg, Pb, As, Cd) là các chỉ tiêu không có trong QCVN 11:2015/BTNMT (nước thải cho chế biến thủy sản).

Theo văn bản 13740/BTC-CST kể trên, Bộ Tài chính hướng dẫn và khẳng định NĐ 154 không có quy định phải đánh giá, lấy mẫu phân tích đối với tất cả các thông số ô nhiễm, mà chỉ quy định mức phí và cách tính đối với các chất ô nhiễm có trong nước thải. Về xác định số phí phải nộp thì theo điểm b khoản 1 Điều 12 NĐ 154, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT quy định việc đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải công nghiệp để xác định số phí phải nộp theo quy định của NĐ154.

Tuy nhiên, đến nay Bộ TN&MT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn các Chi cục Môi trường các tỉnh theo điểm b khoản 1 Điều 12 NĐ 154 và đặc biệt là hiện tại (quý 1/2018) nhiều DN thủy sản tiếp tục phản ánh là vẫn đang phải đóng phí BVMT cho các chỉ tiêu kim loại nặng nói trên như năm 2017.

VASEP tiếp tục kiến nghị Bộ TN&MT xem xét:

1. Bỏ chỉ tiêu phospho ra khỏi Dự thảo QCVN 11:2017;

2. Giữ nguyên mức giới hạn kiểm soát của Amoni và Nitơ như trong QCVN 11:2015.

3. Bổ sung khung pháp lý trong Dự thảo QCVN để tạo cơ chế thỏa thuận hợp lý giữa nhà máy thủy sản trong khu công nghiệp với BQL Khu công nghiệp các tỉnh nhằm đảm bảo sự công bằng & hài hòa trong áp dụng QCVN nước thải chế biến thủy sản.

4. Thống nhất áp dụng quy chuẩn QCVN 02-20:2014/BNNPTNT cho nước thải từ ao nuôi cá tra trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

5. Có ngay văn bản hướng dẫn các Chi cục Môi trường tại các địa phương thực hiện việc thu phí BVMT theo đúng NĐ 154.

Sau khi nghe các ý kiến từ VASEP, đại diện Bộ TN&MT, các nhà khoa học, cuộc họp đã đi đến thống nhất:

1) Về chỉ tiêu Phospho trong nước thải CBTS: Bộ TN&MT sẽ có lộ trình áp dụng từ 5-10 năm khi sửa QCVN 11:2018 mới. Đồng thời, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và VASEP sẽ tiến hành khảo sát thực tế tại một số DN chế biến thủy sản để tính toán ngưỡng chỉ tiêu Phospho sao cho hợp lý dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn.

2) Về mức giới hạn kiểm soát của Amoni và Nitơ: Bộ TN&MT thống nhất sẽ cho phép DN tiếp tục áp dụng theo QCVN 11:2015 đến năm 2020.

3) Về việc không công bằng giữa DN trong & ngoài KCN khi áp dụng các QCVN nước thải: Theo Bộ TN&MT, VASEP cần có văn bản kiến nghị tới Bộ Xây dựng sửa đổi Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/08/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải. Điều này sẽ tháo gỡ các quy định bất cập mà DN chế biến thủy sản đang gặp phải.

4) Về QCVN áp dụng cho nước thải từ ao nuôi cá tra: Bộ TN&MT ghi nhận bất cập do phải áp dụng QCVN 40 dùng cho nc thải công nghiệp nói chung, Lãnh đạo hai Bộ cũng thống nhất thống nhất hai Bộ (NN&PTNT; TN&MT) và VASEP sẽ phối hợp có khảo sát để ban hành nhanh QCVN áp dụng cho nuôi cá tra và tôm thâm canh.

5) Về vấn đề nộp phí bảo vệ môi trường cho 4 chỉ tiêu kim loại nặng: Trước ngày 20/4/2018, Bộ TN&MT sẽ có văn bản gửi các địa phương thực hiện không thu phí các chỉ tiêu không có trong QCVN nước thải chế biến thủy sản theo đúng NĐ 154 của Chính phủ.

Tạ Hà - Vasep

 









10042789
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
153
453
1954
10032960
62245
80492
10042789

Địa chỉ IP: 44.203.58.132
Giờ máy chủ: 2024-03-28 09:47:18
Visitors Counter