Truy xuất nguồn gốc tôm, cá tra: Chưa đạt yêu cầu

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP và Hội Nghề cá Việt Nam cùng Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tổ chức nghiên cứu thực trạng truy xuất nguồn gốc hai chuỗi sản phẩm tôm và cá tra. Ngày 8/11, kết quả được báo cáo tại một hội thảo ở Cần Thơ.

 

Bà Phạm Thị Mỹ Trinh (chuyên viên Marketing của Công ty TraceVerified) trong nhóm nghiên cứu cho biết: Quá trình nghiên cứu và khảo sát chú trọng toàn bộ các mắt xích trong chuỗi sản phẩm, trong đó tập trung 3 mắt xích chính: Trại giống, trại nuôi và nhà máy chế biến.

Chưa đạt yêu cầu

Kết quả cho thấy thực trạng truy xuất nguồn gốc của cá tra như thế nào?

Chưa đạt yêu cầu. Về trại giống, 30% không thực hiện truy xuất nguồn gốc, 70% có ghi chép trên giấy về nguồn gốc con giống như cá bố mẹ nhập từ đâu, bắt đầu sinh sản năm nào, đã bao nhiêu mùa.

Về trại nuôi, hầu hết thông tin truy xuất nguồn gốc được ghi nhận đầy đủ theo biểu mẫu nhưng ghi thủ công qua giấy tờ. Một số hộ cho biết chỉ ghi thông tin khi có yêu cầu. Đa phần các thông tin này không ghi nhận theo thời gian thực và không được lưu trữ cẩn thận.

Các nhà máy chế biến xuất khẩu đều áp dụng tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, có ghi nhận thông tin từng giai đoạn sản xuất phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên thực hiện trên giấy mà chưa xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử.

Thực trạng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tôm có khá hơn không?

Yếu hơn cá tra. Trại giống tôm cũng có 30% không ghi nhận thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc, 70% ghi sơ sài và không theo quy trình nên khó truy xuất nguồn gốc khi cần.

Về trại nuôi, hầu hết hộ gia đình nhỏ lẻ, đầu ra chủ yếu dựa vào thương lái nên các hộ không ghi nhận thông tin truy xuất nguồn gốc, số ít có ghi đơn giản trên giấy tờ sổ sách.

Một số HTX và trang trại lớn tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến thì có ghi nhận thông tin về nguồn gốc sản phẩm, quá trình nuôi, thức ăn, thuốc kháng sinh nhưng cũng ghi thủ công trên giấy hoặc tiên tiến hơn là phần mềm excel. Về nhà máy chế biến, có 20% bán thị trường trong nước, 80% xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu có áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho quá trình sản xuất nên ghi nhận thông tin truy xuất nguồn gốc theo lô hàng để phù hợp yêu cầu của nhà nhập khẩu, nhưng phần lớn ghi chép sổ sách thủ công, một số mang tính hình thức, nhiều trường hợp chưa gắn trực tiếp với lô nguyên liệu.

Chính quyền địa phương quan tâm đến truy xuất nguồn gốc thủy sản hay chưa?

Có quan tâm, thông qua các chương trình thí điểm, chương trình mục tiêu truy xuất nguồn gốc. Một số địa phương còn hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp. Đơn cử như tỉnh Bến Tre trong năm 2018 - 2019 đã hợp tác với Trace Verified xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh là tôm biển và heo, bò. Sau 1 năm triển khai đã đi vào hoạt động và cấp tài khoản truy xuất nguồn gốc cho một số đơn vị.


Nhóm chuyên gia nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp tại hội thảo.

Qua khảo sát toàn diện hai chuỗi sản phẩm, có thể thấy những điểm mạnh và yếu chung của toàn vùng ĐBSCL như thế nào? Đâu là cơ hội và thách thức?

Điểm mạnh là mạng lưới khuyến nông rộng khắp, các doanh nghiệp có nhận thức tốt về truy xuất nguồn gốc và mong muốn áp dụng. Điểm yếu là quy định truy xuất nguồn gốc còn nửa vời, chưa có tiêu chuẩn cụ thể về truy xuất nguồn gốc, nhân lực thực hiện hạn chế và cơ sở nhỏ không có thói quen ghi nhận thông tin truy xuất nguồn gốc.

Cơ hội để thực hiện truy xuất nguồn gốc tại ĐBSCL là yêu cầu của thị trường quốc tế ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, không thực hiện không được. Sự phát triển ngày càng cao của công nghệ thông tin và ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc tạo điều kiện thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên cũng tồn tại nhiều thách thức, trong đó có 2 tồn tại chính của 2 chuỗi cung ứng cá tra và tôm ảnh hưởng trực tiếp đến truy xuất nguồn gốc. Đó là cá tra vận chuyển đường thủy đến nhà máy chế biến, phương pháp này có ưu điểm là cá không bị mất ô xy nhưng lại rất ảnh hưởng đến chất lượng cá và môi trường. Ở chuỗi tôm thì thông tin kết nối giữa nông dân (nhà cung cấp) và các nhà máy đang bị ngăn cách bởi thương lái. Các thương lái giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nhưng chưa được đưa vào như một mắt xích thông tin truy xuất nguồn gốc, họ không ghi chép gì cả.

Đề xuất của nghiên cứu là gì?

Chúng tôi đề xuất là các chương trình truy xuất nguồn gốc cần mang tính thực chất và dài hạn hơn, không chỉ phục vụ mục tiêu xuất khẩu trước mắt mà còn phục vụ mục tiêu dài hạn là nhằm quản lý, phòng ngừa vệ sinh an toàn thực phẩm từ xa, thu hồi sản phẩm khi có sự cố xảy ra.

Cụ thể, với cơ quan quản lý nhà nước trung ương cần sớm ban hành tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, chú ý đến vị trí của thương lái để quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của họ trong Luật An toàn thực phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước địa phương cần nắm rõ các quy định về truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ thúc đẩy các HTX, doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Đối với các doanh nghiệp, xây dựng mối liên kết với các trại nuôi, thương lái, cơ sở sản xuất thức ăn trong chuỗi. Các trại nuôi nhỏ lẻ cần liên kết xây dựng HTX để có thể tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc tiết kiệm chi phí và chủ động tham gia vào các hiệp hội để có thể nhận được sự hỗ trợ.

Thưa bà, truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối; vậy đơn vị sản phẩm ở đây là gì?

Một câu hỏi hay. Đơn vị sản phẩm ở đây là đơn vị truy xuất mà người ta muốn theo dõi hay đơn vị được ghi lại thông tin truy xuất nguồn gốc. Nó có thể là một con cá, một ao cá hay toàn bộ cá của một hộ. Đơn vị sản phẩm trong truy xuất nguồn gốc rất quan trọng, nó quyết định được thông tin về sản phẩm muốn quản lý hay truyền tải đến khách hàng, đối tác qua từng công đoạn của quá trình sản xuất.

Đơn vị sản phẩm càng nhỏ thì độ chi tiết và độ chính xác về các thông tin truy xuất nguồn gốc càng cao và phục vụ tốt hơn cho quản lý. Trưởng nhóm nghiên cứu chúng tôi có nói, truy xuất nguồn gốc không chỉ là những thông tin hiển thị trên con tem sản phẩm mà đó là cả một hệ thống, một chuỗi liên kết mang lại lợi ích cho các bên tham gia.

Để có thể mang lại lợi ích cho các bên tham gia thì hệ thống truy xuất nguồn gốc cần được xây dựng trên nguyên tắc gì?

Có 3 nguyên tắc và cũng là 3 bước như sau: Xây dựng cộng đồng - Kiểm soát - Truy xuất nguồn gốc. Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện bước thứ 3 đó là công bố thông tin và dán tem QR code. Như vậy chưa đem lại lợi ích cho các bên trong chuỗi và cũng chưa cung cấp đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc.

Muốn thực hiện truy xuất nguồn gốc, trước tiên phải xây dựng cộng đồng là các bên tham gia vào chuỗi cung ứng của cùng một sản phẩm. Dĩ nhiên bước đầu không thể xây dựng cộng đồng gồm tất cả các bên tham gia nhưng phải chọn được các đơn vị tiên phong mong muốn áp dụng truy xuất nguồn gốc. Bước đầu hơi vất vả nhưng sau khi thực hiện được tại các đơn vị này thì cộng đồng sẽ mở rộng dần ra.

Về kiểm soát, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ rằng Blockchain là công cụ để chống nói dối và để kiểm soát. Tuy nhiên đây chỉ là công cụ công nghệ thông tin, chừng nào còn có con người tham gia ghi nhận thông tin thì không có gì đảm bảo được là chỉ có đúng. Chính vì vậy công nghệ thông tin chỉ là công cụ, việc kiểm soát vẫn cần có con người. Bước đầu thực hiện cần có quy định, tiêu chuẩn nội bộ cho các đơn vị tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc như áp dụng truy xuất nguồn gốc cần có thông tin gì, ghi nhận như thế nào. Và cần phải có ban kiểm soát, có thể kiểm soát chéo giữa các bên, có thể là đơn vị nhà nước kiểm soát.

Sau khi xây dựng được 2 bước trên thì việc dán tem truy xuất nguồn gốc mới có ý nghĩa và mang lại lợi ích cho các bên tham gia.

 

Minh chứng bằng một câu chuyện

Câu chuyện sản phẩm tôm được nhóm nghiên cứu kể: “Hợp tác xã nuôi tôm Mỹ An tại xã Mỹ An (Thạnh Phú, Bến Tre) có 66 hộ nuôi tôm tôm thẻ chân trắng và trồng lúa, sản lượng khoảng 200 tấn tôm mỗi năm, nuôi thâm canh (nuôi liên tục 2 - 3 tháng/vụ) và quảng canh (nuôi liên tục, đan xen với các vụ lúa khoảng 3 tháng/vụ).

Giám đốc HTX muốn tiêu thụ tôm cho xã viên nên tìm đến một công ty hàng đầu về tiêu thụ tôm tại Việt Nam do có quan hệ quen biết trước.

Đầu tiên, Giám đốc HTX gọi điện đến công ty để chào hàng. Sau đó, công ty yêu cầu gửi mẫu và đã kiểm tra đạt tiêu chuẩn nguyên liệu. Tiếp theo, HTX đề nghị công ty cử người xuống thu mua thì công ty cho biết không có hệ thống thu mua tại trại mà sẽ nói đại lý tại địa phương thu mua.

Giám đốc HTX chạy lên đại lý hỏi thì được trả lời là sẽ cho thương lái xuống thu mua. Cuối cùng là vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Đó là thực trạng ngành nuôi tôm nước ta, hộ gia đình nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định.

 

Sáu Nghệ - Hoàng Vũ

nongnghiep.vn










10044416
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
553
1227
3581
10032960
63872
80492
10044416

Địa chỉ IP: 44.204.125.111
Giờ máy chủ: 2024-03-29 07:07:51
Visitors Counter