Chiều tối 6-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Cuộc họp nhằm trao đổi tình hình hoạt động của hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần “đồng hành thật”, “làm đến nơi đến chốn”, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang ưu tiên cho tăng trưởng với ba động lực là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Do đó, các ý kiến cần đi thẳng vào vấn đề, ra được sản phẩm để "cân, đong, đo, đếm" được.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Báo cáo từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy tình trạng doanh nghiệp khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao. Đáng chú ý là việc cắt điện ở một tỉnh phía Bắc gây tâm lý bất ổn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất.
Có nhiều thách thức đang bủa vây doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực sản xuất. Điều đáng lo ngại là khó khăn có thể khiến doanh nghiệp gục ngã trước khi có cơ hội phục hồi. Nguy hiểm hơn là khi doanh nghiệp “gục ngã” thì người lao động sẽ không có việc làm và thu nhập. Đây là vấn đề an sinh xã hội và an toàn xã hội.
Vì vậy, hiệp hội kiến nghị cần giải quyết ngay vấn đề cấp bách là vốn để đáp ứng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ có điều kiện mua thiết bị máy móc, bổ sung vốn lưu động và các lĩnh vực đầu tư khác của doanh nghiệp. Thêm nữa là cần giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, mặt bằng sản xuất.
Đồng thời, trung ương cần thành lập ngay tổ công tác đặc biệt để thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề cấp bách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực điều hành các cấp.
Trong đó, cần rà soát loại bỏ ngay một số quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp. Đơn cử như quy định về đầu tư công để nhanh chóng tạo cầu cho thị trường nội địa. Xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp.
Chính sách cần làm rõ danh mục các ngành, sản phẩm công nghiệp nền tảng ưu tiên theo lợi thế vùng, địa phương, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương, vùng; tăng cường công tác điều phối, phân cấp theo ngành, vùng, lãnh thổ và giữa các địa phương…
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong phòng chống dịch, nỗ lực phục hồi kinh tế và phát triển thương hiệu quốc gia. Còn nhiều khó khăn thách thức trước mắt, nên Thủ tướng cho rằng cần phải bình tĩnh, bản lĩnh, đồng lòng để vượt qua khó khăn.
Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Với tinh thần Chính phủ luôn đồng hành và đứng về phía người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã đưa ra các chính sách tháo gỡ khó khăn, đặc biệt vấn đề bất động sản, gia hạn miễn, giãn hoãn nộp thuế, phí, lệ phí...
Về các phản ánh về việc khó tiếp cận vốn và lãi suất còn cao, Thủ tướng đề nghị ngân hàng tiếp tục nghiên cứu điều kiện cho vay thuận lợi hơn, các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay để các doanh nghiệp thuận lợi hơn; cải cách các thủ tục hành chính...
Theo đó, các bên cần phải “đặt địa vị của mình vào địa vị người khác". Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp và ngân hàng đều phải chia sẻ, lắng nghe ý kiến để cùng có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu thực tiễn.
Thêm vào đó, các vướng mắc pháp lý cũng đang được Chính phủ tích cực tháo gỡ theo thẩm quyền, gắn với nghiên cứu để hỗ trợ đào tạo, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa vào lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cho biết sẽ thúc đẩy gói tín dụng 10.000 tỉ đồng cho ngành gỗ và thủy sản. Các bộ ngành và địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn, đối thoại cho doanh nghiệp, gỡ khó việc thiếu đơn hàng thông qua tăng cường xúc tiến thương mại, phát huy các FTA, đa dạng thị trường...
Ngọc An - tuoitre.vn