Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tăng lên. Điều này kéo theo những vấn đề lo ngại về bệnh tật, nguồn thức ăn cho thủy sản, môi trường nước và các chi phí khác... Việc nghiên cứu thành công sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho một số loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh mở ra cơ hội mới và những lợi ích kinh tế, xã hội đi kèm.
Nguồn thức ăn
Theo đánh giá của giới chuyên môn, nhiều nước đã sử dụng ấu trùng để nuôi cá hồi, rô phi, trê phi, trắm cỏ, chép... Trong khi ở nước ta vẫn chưa sử dụng rộng rãi ấu trùng trong nuôi trồng thủy sản. Để đa dạng nguồn thức ăn và đảm bảo an toàn, giàu chất dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, tiết kiệm chi phí, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu vấn đề này. Trong đó, loài ruồi lính đen được chọn nghiên cứu, gây nuôi để sản xuất ra nguyên liệu bột ấu trùng ruồi lính đen, thay thế một phần nguyên liệu từ bột cá làm thức ăn trong nuôi trồng một số đối tượng thủy sản nước ngọt.
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung ruồi lính đen vào danh mục động vật khác được phép chăn nuôi tại Nghị định 13 của Chính phủ. Cũng theo công văn phúc đáp của Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất đề xuất trên, Nghị định 46 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 13 được ban hành đã bổ sung ruồi lính đen vào danh mục được phép chăn nuôi.
Từ hướng mở này, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế đã thực hiện dự án khoa học công nghệ sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho một số đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các nguồn chất thải hữu cơ khác nhau, như: Bã đậu phụ, bã đậu phộng, phế phẩm rau củ, các loại phân chim cút, gà, heo... để nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Kết quả, việc nuôi từ bã đậu phụ cho năng suất cao hơn, với 3 - 6kg bã đậu phụ tươi cho 1kg ấu trùng, thời gian thu sinh khối từ 7 - 9 ngày sau khi nuôi. Việc nuôi sinh sản ruồi lính đen khi sử dụng 80% bã đậu phụ, 20% nội tạng động vật, cá tạp cho kết quả tốt. Thời gian nuôi tái đàn ngắn, chỉ mất 35 - 40 ngày, năng suất trứng và tỷ lệ nở cao.
Qua điều tra, đánh giá sự phát tán của ruồi lính đen ra môi trường, 100% các hộ dân đều khẳng định chưa thấy ruồi lính đen xuất hiện ngoài tự nhiên, không ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống hàng ngày cũng như không gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Nhiều lợi ích
PGS.TS. Nguyễn Duy Quỳnh Trâm, Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế, chủ nhiệm dự án sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản cho biết, nhóm nghiên cứu đã chọn một số đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị trên địa bàn như ếch Thái Lan, cá rô đầu vuông, cá lóc để thử nghiệm cho ăn thức ăn ấu trùng ruồi lính đen kết hợp thức ăn công nghiệp. Nhóm còn liên kết sản xuất thức ăn thành dạng bột, viên khô để thuận tiện phục vụ nhu cầu thị trường cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho vật nuôi.
Theo các hộ tham gia mô hình dự án, giá thành bột ấu trùng ruồi lính đen dao động từ 12 - 20 nghìn đồng/kg, thấp hơn khoảng 2,5 lần so với giá bột cá (từ 30 - 50 nghìn đồng/kg). So sánh giá thành thức ăn có chứa hàm lượng protein từ 25-40% đối với thức ăn từ nguyên liệu ấu trùng ruồi lính đen với giá các loại thức ăn công nghiệp bán trên thị trường cũng chênh lệch thấp hơn từ 6 - 10 nghìn đồng/kg.
Tại mô hình nuôi cá lóc thương phẩm của ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Phú Mỹ (Phú Vang), việc sử dụng thức ăn từ ấu trùng ruồi lính đen cho tỷ lệ sống đạt 77,7%, kích cỡ hơn 401g/con, năng suất 62,13 tấn/ha. Lợi nhuận từ mô hình nuôi này đạt trên 185 triệu đồng/ao (3.000m2), với tỷ suất lợi nhuận 26,2%. Hộ ông Lê Phú Diệm, ở phường Hương Chữ (TX. Hương Trà) tham gia mô hình nuôi ếch Thái Lan bằng thức ăn sản xuất từ nguyên liệu ấu trùng ruồi lính đen cho tỷ lệ sống 70%, kích cỡ 239g/con và năng suất 13,4kg/m2. Lợi nhuận thu được gần 70 triệu đồng/450m2 lồng nuôi, với tỷ suất lợi nhuận 26,7%. Đối với mô hình nuôi cá rô đầu vuông của ông Văn An, ở xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) khi tham gia dự án cũng cho tỷ lệ sống con nuôi đạt 85%, kích cỡ 160g/con và năng suất 31,2 tấn/ha. Lợi nhuận gần 94 triệu đồng/ao (3.000m2), với tỷ suất lợi nhuận 27,1%.
Qua khảo sát, chất lượng thịt của các đối tượng nuôi theo mô hình không bị ảnh hưởng khi cho ăn thức ăn ấu trùng ruồi lính đen. Hơn nữa, việc sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản còn giúp giảm ô nhiễm môi trường. Vì qua quy trình nuôi ruồi lính đen đã gián tiếp giúp xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, rau củ dư thừa...
Để tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả cao trong nuôi trồng thủy sản, theo nhóm thực hiện dự án của Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế, người nuôi cần kết hợp sử dụng 50% ấu trùng ruồi lính đen và 50% thức ăn công nghiệp. Các hộ nuôi cần thay thế đến 30% protein bột cá bằng bột ấu trùng ruồi lính đen khi nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông và khoảng 40% đối với nuôi ếch Thái Lan. Kết quả thực tiễn cho thấy, việc sử dụng kết hợp thức ăn ấu trùng ruồi lính đen giúp nâng cao khả năng sinh trưởng, phát triển, cũng như năng suất, lợi nhuận khi nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông, ếch Thái Lan... theo hướng thương phẩm trên địa bàn.
Hoài Nguyên - baothuathienhue.vn