Enzyme Phytase: Giúp nâng cao hiệu quả nuôi cá tra và giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Với ao nuôi cá tra đạt năng suất 300 tấn/ha/vụ, mỗi vụ sẽ thải ra môi trường khoảng 2.677 tấn bùn ướt và 77.930 m3 nước thải. Lượng chất thải này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng nguồn nước, mà còn phát sinh dịch bệnh, từ đó làm giảm tính bền vững của nghề nuôi cá tra. Vậy đâu là giải pháp cho thực trạng trên?

 

Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là đối tượng nuôi chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2019, mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm khoảng 11,4% so với năm 2018, nhưng vẫn đạt khoảng 2 tỷ USD. Như vậy, sự phát triển của nghề nuôi cá tra đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung.

Tuy nhiên, việc nuôi cá tra với mật độ cao (40 - 50 con/m2), sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp cũng đã gây ra không ít các vấn đề về môi trường, dịch bệnh. Các nghiên cứu của Khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ) đã chỉ ra: với ao nuôi đạt năng suất 300 tấn/ha/vụ, mỗi vụ nuôi sẽ thải ra môi trường khoảng 2.677 tấn bùn ướt (tương đương 937 tấn bùn khô) và 77.930 m3 nước thải. Lượng chất thải này khi không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng nguồn nước, phát sinh dịch bệnh, từ đó làm giảm tính bền vững của nghề nuôi cá tra.

Quá trình tích lũy và thải chất dinh dưỡng trong ao nuôi cá tra cho thấy, khi cho cá ăn 100% lượng thức ăn công nghiệp thì lượng vật chất dinh dưỡng mà cá tích lũy được trong cơ thịt chỉ chiếm khoảng 37,5%. Trong đó, vật chất khô: nitơ, phốt pho tích lũy trong cá lần lượt là 32,6%; 42,7%; 29,8%. Phần còn lại, vật chất khô thải ra môi trường chiếm đến 67,4% (5% trong nước, 45,63% trong bùn đáy và 16,74% mất đi do bay hơi hoặc thẩm thấu). Điều này đã dẫn đến sự tích lũy hàm lượng dinh dưỡng trong bùn tăng cao, hàm lượng hữu cơ chiếm khoảng 10,5 - 11,7%, TN (đạm tổng số) chiếm khoảng 0,5% và TP (lân tổng số) chiếm khoảng 0,22%.

Từ năm 2013 - 2017, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC - thuộc BK Holding - Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã cùng WWF-VN, WWF-Áo và VASEP thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam - SUPA” do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm nâng cao giá trị, giảm giá thành, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững cá tra Việt Nam. Theo đó, việc nghiên cứu thử nghiệm đưa enzyme Phytase vào trong thức ăn của cá tra nuôi tại trang trại thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã mang lại hiệu quả rất tích cực.

Kết quả của thí nghiệm cho thấy việc bổ sung Phytase vào thức ăn đã cải thiện tốc độ tăng trưởng của cá tra. Sau 2 tháng nuôi, cá tra ở ao bổ sung Phytase 1500 UI/kg vào thức ăn đạt khối lượng trung bình 41,1 ± 1,31 g/con và có tốc độ tăng trưởng tương đối (SGR) là 1,68 ± 0,03 (%/ngày). Trong khi ở ao dùng thức ăn không bổ sung Phytase kết quả chỉ là 22,12 ± 1,67 (g) và 1,39 ± 0,04 (%/ngày).

Ngoài ra, chất lượng nước trong ao nuôi cá tra có bổ sung enzyme vào thức ăn có hàm lượng trung bình P-PO43-, TP và TP bùn lần lượt là 0,816 mg/L; 1,52 mg/L và 2,72 mg/L, còn tại ao không bổ sung enzyme vào thức ăn, các chỉ số này lần lượt là 1,15 mg/L; 1,88 mg/L và 3,37 mg/L. Điều này cho thấy việc bổ sung enzyme Phytase đã giúp cải thiện môi trường trong ao nuôi cá tra. Đây là giải pháp cần được nhân rộng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả nuôi cá tra tại vùng ĐBSCL.

Lê Xuân Thịnh - Chuyên gia về Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn - Giám đốc VNCPC

Vasep









10043750
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1114
453
2915
10032960
63206
80492
10043750

Địa chỉ IP: 34.204.3.195
Giờ máy chủ: 2024-03-28 22:50:31
Visitors Counter