Đợt xem xét thứ 9 vụ kiện chống bán phá giá cá tra: Thuế giảm chưa như kỳ vọng

Bạn đánh giá:  / 2
DỡHay 

Rạng sáng 1.4 theo giờ Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9), vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại thị trường này.

 

Mức thuế dù đã giảm nhiều so với kết quả sơ bộ trước đó nhưng vẫn chưa như kỳ vọng của các doanh nghiệp Việt Nam.


Thuế giảm, nhưng chưa “ngon”


Kết quả POR9 áp dụng đối với các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1.8.2011 – 31.7.2012. Theo quyết định này, mức thuế của hai doanh nghiệp (DN) bị đơn bắt buộc là Vĩnh Hoàn Corp và Hùng Vương đã giảm rất nhiều so với kết quả sơ bộ do DOC đưa ra hồi tháng 9.2013.

 

Kết quả POR9 không như các DN chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam mong đợi.


Cụ thể, theo phán quyết cuối cùng trong POR9, Vĩnh Hoàn Corp phải chịu mức thuế 0.03USD/kg, giảm hơn 14 lần so với mức 0,43USD/kg trong kết quả sơ bộ; Tập đoàn Hùng Vương có mức thuế 1,2USD/kg, giảm gần 2 lần so với mức 2,15 trước đó. Mức thuế suất toàn quốc không đổi, giữ ở 2,11USD/kg, còn mức thuế riêng lẻ dành cho các DN không thuộc các nhóm đối tượng trên giảm từ 0,99USD/kg xuống còn 0,42USD/kg. Chỉ riêng DN Golden Quality (Cần Thơ) được hưởng mức thuế suất chống bán phá giá bằng 0, dành cho những DN mới tham gia xuất khẩu vào Mỹ.


Như vậy, so với con số 8 DN được hưởng mức thuế suất bằng 0 khi xuất khẩu vào Mỹ trong đợt POR8, lần này, Việt Nam chỉ còn 1 DN được hưởng mức thuế suất bằng 0.


Phản ứng trước kết quả chính thức của DOC trong POR9, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mức thuế dù đã giảm mạnh so với kết quả sơ bộ, tuy nhiên, vẫn chưa như mong đợi của các DN. Ông Hòe cho rằng, từ khi có kết quả sơ bộ, hiệp hội, DN và các cơ quan chức năng Việt Nam đã có nhiều hành động phản đối, yêu cầu Mỹ xem xét lại các vấn đề liên quan khi định mức thuế cho các DN, trong đó có việc chọn Indonesia làm nước thứ ba thay thế để tính biên độ phá giá thay cho Bangladesh như 7 kỳ xem xét trước. Tuy nhiên, DOC vẫn giữ nguyên quan điểm và lập luận trong việc chọn Indonesia làm nước thứ ba để tính giá.


“Indonesia không nằm trong danh sách các nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam. Do đó, các giá trị thay thế của Indonesia mà DOC áp dụng cho Việt Nam như giá cá sống, con giống, thức ăn và phụ phẩm… có sự chênh lệch lớn giữa ngành nuôi cá hai nước, ảnh hưởng tới kết quả chung” - ông Hòe khẳng định.


Cũng theo ông Hòe, nếu chọn Bangladesh làm nước thay thế, mức thuế của các DN Việt Nam có thể sẽ bằng 0. Ngoài ra, trong kết quả của POR9 có sự chênh lệch lớn giữa hai bị đơn bắt buộc là Vĩnh Hoàn Corp và Hùng Vương Corp, là những DN cùng sản xuất cá tra tại Việt Nam, cùng xuất khẩu vào Mỹ. “Vẫn có sự chưa công bằng trong cách tính biên độ phá giá giữa các DN. Nếu tính đúng, mức thuế của Hùng Vương có thể không ở mức cao là 1,2USD/kg và kết quả của Vĩnh Hoàn Corp có thể bằng 0” - ông Hòe cho biết.


Thị trường đang dần ổn định


Dù mức thuế suất chống bán phá giá tại Mỹ chưa như kỳ vọng của các DN, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường này ba tháng đầu năm 2014 vẫn tăng trưởng mạnh. Tình hình sản xuất, tiêu thụ cá trong nước cũng đang dần hồi phục. Bà Tô Thị Tường Lan – đại diện Ủy ban Cá nước ngọt (VASEP) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt giá trị hơn 61,7 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 275 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

 

Kiện tiếp ra tòa án quốc tế


VASEP cho biết, đơn vị này và các DN có liên quan sẽ tiếp tục đưa vụ kiện lên tòa án quốc tế, yêu cầu DOC xem xét thận trọng quá trình điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam để không gây ảnh hưởng tới nông dân, DN Việt Nam cũng như người tiêu dùng Mỹ.

 

Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu vùng ĐBSCL hiện cũng đã tăng lên mức 25.000 – 25.500 đồng/kg, giúp nông dân có lời từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Đánh giá tình hình nguồn nguyên liệu trong nước, ông Trương Đình Hòe cho rằng, tổng sản lượng cá tra cả nước năm nay sẽ không còn dồi dào như năm 2013 mà dao động từ 800.000 – dưới 1 triệu tấn. Tuy nhiên, sẽ không quá khó khăn cho DN do nhiều thị trường nhập khẩu vẫn chưa hồi phục, trong đó có EU.


Cụ thể, nhiều DN trước đây trực tiếp tham gia nuôi cá cho chế biến và số cá này hiện đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, bước sang 2014, hầu hết các DN này không tiếp tục thả giống mới do thiếu vốn, hoặc phải thoái vốn để phục vụ hoạt động chế biến, xuất khẩu. “Nếu đạt được mức sản lượng trên sẽ thuận lợi cho cả đôi bên, DN không phải tranh giành nguyên liệu cho chế biến mà nông dân cũng không phải lặn lội đi đòi nợ tiền cá ở DN” - ông Hòe khẳng định.


Còn ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cũng thừa nhận rằng, sau 2 năm “sóng gió”, hiện tại người nuôi cá đã dễ thở hơn một chút. Tuy nhiên, do lo ngại tình trạng nợ tiền mua cá, hầu hết nông dân chỉ đồng ý bán cá khi DN trao tiền liền tay.

 

Thuận Hải - danviet.vn











10540410
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
75
16738
25462
10505798
54652
54430
10540410

Địa chỉ IP: 13.59.183.77
Giờ máy chủ: 2024-12-27 02:44:47
Visitors Counter