Theo VASEP, từ năm 2013 (thời điể Việt Nam - Mỹ xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện) đến nay, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đều có doanh số tăng đột phá, với kim ngạch đạt kỉ lục 2,15 tỷ USD trong năm 2022, tăng 80% so với 10 năm trước. Đặc biệt, sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hợp tác kinh tế thương mại, trong đó có thương mại thủy sản của hai quốc gia kỳ vọng sẽ có các bước đột phá mạnh và bền vững hơn.
Mỹ nhiều năm qua là thị trường xuất khẩu lớn, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Ngược lại, đối với Mỹ, đến năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này. Tiềm năng và dư địa của thị trường Mỹ rất lớn, với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm trong thời gian gần đây. Khách hàng Mỹ đã quen và ngày càng tin tưởng mặt hàng “Made in Vietnam”.
Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt kỉ lục 2,15 tỷ USD, tăng 80% so với cách đó 10 năm, trước khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện |
Đối với ngành thủy sản, Mỹ là đối tác nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD, giảm 39% so cùng kỳ năm 2022. Đây là hiện tượng chưa từng có, được lý giải nguyên nhân từ lạm phát toàn cầu, ảnh hưởng chiến tranh tại châu Âu và việc hàng tồn kho do Mỹ nói riêng và các quốc gia nói chung tích cực “dự trữ thực phẩm” trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới biến động trong năm 2022. Tính tới hết tháng 8/2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 30%, xuất khẩu cá tra giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế xuất, nhập khẩu thủy sản giữa hai nước có sự bù trừ hơn là cạnh tranh. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Mỹ sang Việt Nam chỉ khoảng trên 60 triệu USD (chủ yếu cá hồi, cá trích, cá bơn, cá minh thái, cá tuyết… để gia công, chế biến và xuất khẩu trở lại thị trường này). Tuy nhiên, phía Mỹ có nguồn cung cấp tôm giống, thức ăn thủy sản với các thương hiệu và các nhà máy nổi tiếng hiện đang có mặt tại Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu thủy sản của Mỹ có thể sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 khi mức tồn kho giảm và nhu cầu tiêu thụ trong các kỳ nghỉ cuối năm tăng mạnh.
Sản xuất tôm ở Mỹ chỉ đáp ứng 10% nhu cầu nội địa và quốc gia này phải nhập khẩu tới 90%; trong đó, 50 – 60% là tôm nuôi, nước ấm/ nước lợ và đông lạnh. Trong tháng 7, xuất khẩu tôm sang thị trường này đã ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên trong năm 2023 với mức tăng 14%.
Mới đây, Văn phòng Đăng ký Liên bang Mỹ (Federal Register) đã công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) cho giai đoạn 1/8/2021 – 31/7/2022 đối với cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Theo kết quả sơ bộ, Công ty CP Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế suất là 0%; mức thuế 0,14 USD/kg được áp dụng đối với Công ty TNHH XNK Thủy sản Cần Thơ. Cùng được áp dụng mức thuế 0,14 USD/kg là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI, Công ty CP Thủy sản Cafatex, Công ty CP Thủy sản Lộc Kim Chi và Công ty CP Hùng Vương. Mức thuế sơ bộ POR19 giảm so với kết quả cuối cùng của POR18 trước đó. Đây là tín biệu vui cho các doanh nghiệp cá tra tại thị trường Mỹ.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong quý II/2023 đã tăng 7% so quý I/2023, ngắt mạch tăng trưởng âm trong 3 quý liên tiếp (kể từ quý III/2022). Sản lượng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu trong quý II/2023 lần lượt tăng 39% và 9% so với quý I/2023 (trong khi đó sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 3% so quý I/2023).
Chuyến thăm Việt Nam từ ngày 10 – 11/9/2023 vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden được đánh là “mang tính lịch sử” với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Trong tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung khu vực và toàn cầu, trong đó có việc chú trọng khu vực ĐBSCL của Việt Nam.
Cả nước hiện có trên 1 triệu ha nuôi thủy sản, thì khu vực ĐBSCL chiếm khoảng 70%. Ngành nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL có sản lượng và giá trị lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 65% cho toàn ngành. Trong số đó, ngành cá tra – đóng góp khoảng 98% và tôm – khoảng 63% tổng sản lượng trên cả nước. Người nuôi và các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản đều phấn khởi vui mừng trước tiềm năng và triển vọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Trước đó, Trung tâm Thủy sản có trách nhiệm (TCRS) của Mỹ đã có chuyến khảo sát tham quan thực tế vùng ương nuôi, chế biến tôm tại tỉnh Cà Mau. Các chuyên gia và các doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất cao các mô hình nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản của địa phương và các tỉnh khu vực ĐBSCL. Cùng đó, cam kết sẽ phối hợp hỗ trợ nhiều hơn nữa để sản phẩm thủy sản Việt Nam đến với đông đảo người dân Mỹ.
Nguyên Anh - thuysanvietnam.com.vn