Kiểm soát tạp chất, nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu

Bạn đánh giá:  / 1
DỡHay 

Bạc Liêu đã và đang xây dựng tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, việc kiểm soát tạp chất, nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu đáp ứng thị trường xuất khẩu luôn được tỉnh quan tâm.

 

GIÁM SÁT DƯ LƯỢNG HÓA CHẤT, KHÁNG SINH

Thực tế cho thấy, vẫn có không ít nông dân thích mua giống thủy sản, vật tư nông nghiệp giá rẻ, trôi nổi không rõ nguồn gốc; sản phẩm cấm lưu hành hoặc chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, do một thời gian dài tôm nguyên liệu giảm sâu nên nhiều người nuôi quay lại sử dụng thuốc y tế, kháng sinh nguyên liệu để giảm giá thành tôm nuôi. Hệ lụy là một số lô hàng tôm xuất khẩu bị phát hiện nhiễm kháng sinh làm ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu thủy sản của địa phương.

Thực hiện Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật, sản phẩm động vật thủy sản nuôi, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản đã lấy 2.059 mẫu tôm và nước ương dưỡng tôm giống tại vùng nuôi tập trung và cơ sở thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh để thực hiện giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả phân tích phát hiện 13 mẫu nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. Các trường hợp bị phát hiện vi phạm đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định.

Để công tác kiểm soát tạp chất trong tôm nguyên liệu phát huy hiệu quả, ngoài công tác tuyên truyền, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản tỉnh còn vận động các cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành thực hiện ký cam kết không vi phạm. Đến nay, đơn vị đã vận động được 196 cơ sở ký cam kết “nói không với tạp chất”.

Từ năm 2021 - 2023, Sở NN&PTNT phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi tổ chức, thu gom và vận chuyển tôm nguyên liệu có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra phát hiện 58 trường hợp vi phạm tôm nguyên liệu có chứa tạp chất với số lượng 20.118kg (loại tạp chất được đưa vào tôm chủ yếu là Agar); xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 3,7 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, phát hiện 2 trường hợp tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và 1 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất với số lượng 60,6kg; lực lượng chức năng đã hoàn chỉnh hồ sơ và đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 120 triệu đồng.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CON TÔM

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng như kiểm soát tốt chất lượng tôm nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu, theo TS. Nguyễn Thu Dung - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản tỉnh, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường triển khai kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất - kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôm tạp chất. Tập trung xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu nông sản Bạc Liêu. Theo đó, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Tôm sạch Bạc Liêu” và triển khai có hiệu quả mô hình tôm - lúa. Tập trung hỗ trợ Công ty Việt Úc xây dựng thành công chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và các nước khác. Tăng cường công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở nuôi, nhằm tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo nông sản lưu thông trên thị trường minh bạch nguồn gốc xuất xứ...

Để kiểm soát tốt chất lượng tôm nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu, ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng sản phẩm tại các cơ sở chế biến xuất khẩu, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, ngăn chặn tạp chất một cách đồng bộ trong cả chuỗi cung ứng và tiêu thụ tôm nguyên liệu. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường công tác kiểm tra các đối tượng sản xuất - kinh doanh, mua bán, vận chuyển tôm nguyên liệu, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm có vị trí giáp ranh với các tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Tăng cường chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát tình hình vi phạm về tôm có tạp chất trên địa bàn phụ trách. Đối với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu phải chủ động, tích cực kiểm soát tạp chất trong tôm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, góp phần ngăn chặn tạp chất, thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP; Hệ thống truy xuất nguồn gốc…

 

Hiện toàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất thiết kế khoảng 294.000 tấn và 27 kho bảo quản đông lạnh với tổng công suất 4.470 tấn thủy sản. Hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và đủ điều kiện xuất khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ như: EU, Trung Quốc, Hàn Quốc...

  

Minh Đạt - baobaclieu.vn











10453063
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1211
709
4180
10442795
21735
46203
10453063

Địa chỉ IP: 18.221.167.11
Giờ máy chủ: 2024-11-22 22:54:08
Visitors Counter