Nghiên cứu tác động của đập thủy điện đến ĐBSCL: Đánh giá chưa đúng thiệt hại thủy sản

Bạn đánh giá:  / 2
DỡHay 

Sáng 4/3, tại thành phố Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh Hà Nội tổ chức hội thảo về tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Các nhà khoa học và quản lý trao đổi chủ yếu xoay quanh báo cáo dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư, vừa công bố trên mạng ngày 18/1/2016.

 

Dù đã chỉnh sửa so với bản dự thảo hồi tháng 10/2015, nhưng theo các nhà khoa học thì "Dự án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông" (MDS) tiêu tốn đến 4,3 triệu USD vẫn còn "phiến diện, không am hiểu thực tế". Trong đó, đánh giá thiệt hại thủy sản chưa đúng, chưa đủ. Vấn đề được dư luận quan tâm trong bối cảnh thiên tai hạn và mặn đang hoành hành.

 

Phiến diện, sai thực tế

 

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu cho rằng, MDS giới hạn nghiên cứu đến bờ biển ĐBSCL là phiến diện. Vì "Như vậy tiến trình trao đổi chất lượng nước, nguồn thủy sản tự nhiên và nuôi trồng, phù sa và các hệ sinh thái vùng biển nông hoặc thềm lục địa vùng phía nam Việt Nam với hình thái vùng sông và vùng đất liền không được chú ý đến".

 

Những nội dung trong báo cáo theo Tiến sĩ Tuấn là "cần được làm rõ". Chẳng hạn "Trong báo cáo MDS liên quan đến sinh cảnh, chuỗi thức ăn và nguồn lợi thủy sản; việc xác định sự mất mát ở đây chỉ dựa vào số liệu thống kê đánh bắt thủy sản tự nhiên cho mục đích mua bán chứ không thể thống kê lượng thủy sản tự nhiên mà người dân tự bắt tự ăn hàng ngày, đặc biệt là người nghèo nông thôn". Một số kết luận của báo cáo gây nghi ngờ: "MDS cho rằng, cá đen và cá vùng đồng trũng sẽ không ảnh hưởng do suy giảm bùn cát cũng gây nghi ngờ. Có hoàn toàn là năng suất cá và môi trường sống các vùng đất ngập nước ít bị ảnh hưởng vì vẫn còn 88% P và 28% N? Cá đen và cá đồng không ảnh hưởng do mất bùn cát?".

Khai thác thủy sản mùa lũ ở ĐBSCL - Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

Chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện nêu "nhiều kết quả không đáng tin cậy" của MDS. Chẳng hạn, xem "cả vùng biển Đông ở Bạc Liêu, một phần tỉnh Cà Mau và gần toàn bộ vùng biển Tây thuộc Kiên Giang là vùng nước ngọt", trong lúc đây là vùng mặn và hiện nay, người dân đang khốn đốn vì mặn tăng cao.

 

Theo ông Thiện, sai sót lớn nhất là "MDS không thấy được đất và nước là hai trụ cột chính của nền kinh tế ĐBSCL và mọi thứ khác của nền kinh tế đều từ đó xây lên" nên đưa ra nhiều kết luận xa rời thực tế. MDS dự báo các đập thủy điện sẽ làm giảm 50% lượng phù sa nhưng lại đánh giá ảnh hưởng không lớn tới sạt lở bờ sông, bờ biển. Cũng từ đó, trong phần đánh giá tác động sinh kế của báo cáo "trình bày tổn thất thu nhập từ thủy sản lại không bao gồm tổn thất thủy sản biển". Đặc biệt hài hước là "MDS cho rằng cá lau kiếng là 1 trong 10 loài có giá trị kinh tế nhất ĐBSCL sẽ chịu tác động của đập thủy điện. Trong khi đây là cá ngoại lai, không có giá trị, có thể là mối đe dọa đối với hệ sinh thái thủy sản ĐBSCL".

 

Tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học ở Trường Đại học Cần Thơ, nhận xét MDS đánh giá tác hại đập thủy điện tới thủy sản rất không đầy đủ. Ông chỉ ra: Báo cáo "không bao gồm phần diện tích biển tiếp giáp với ĐBSCL. Điều này đã làm cho các kết quả về thủy văn, phù sa, chất lượng nước, đa dạng sinh học... có giá trị nhỏ hơn giá trị thực tế rất nhiều". Đánh giá không đầy đủ lại "rời rạc như không có sự tương tác giữa thủy văn, bùn cát, chất lượng nước và rào cản". Và còn một chiều, vì khi đắp đập làm thay đổi lượng nước và phù sa giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học, phần này MDS phân tích đã không đầy đủ. Nhưng thiếu sót lớn hơn là không phân tích chiều ngược lại, sự thay đổi đa dạng sinh học sẽ làm thay đổi chất lượng nước, gây hậu quả khó lường. 

 

"Chơi game trên máy tính"

 

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: "Bỏ qua hai nhân tố quan trọng hàng đầu (biển, con người), không tính đến yếu tố biến đổi khí hậu nước biển dâng" nên MDS chỉ có giá trị trong ngắn hạn. Nó chưa thể là "một bộ công cụ đánh giá tác động và thiết lập cơ sở khoa học giúp cho bốn quốc gia Mê Kông (Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) xem xét những dự án đề xuất xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông" như mục tiêu của dự án.

 

Ông phân tích yếu tố biển gắn với thủy triều và xâm nhập mặn hiện nay đang gây tác hại lớn cho ĐBSCL, để thấy tầm mức ảnh hưởng. "Triều cho tới nay truyền đến quá Phnom Penh trong mùa kiệt, và truyền đến Tân Châu, Châu Đốc trong mùa lũ. Nay với chế độ đóng mở các đập, triều sẽ truyền tới đâu trong mùa lũ và mùa kiệt là điều MDS cần tính toán", ông nói.

Trung Quốc xây đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông - Ảnh: CTV

 

Tán thành với ý kiến đánh giá về MDS của các nhà khoa học khác, GS Trân vạch ra nguyên nhân, MDS là "kết quả mô phỏng trên máy tính khác rất xa với thực tế". Bởi lẽ "các kết quả mô phỏng là phiến diện, ngắn hạn, không tính đến suy thoái đất tích lũy vì thiếu phù sa và những tác động dây chuyền". Giáo sư Trân ví von: "Kết quả mô phỏng trên máy tính của MDS chỉ là chơi games trên máy tính". Và ông cho rằng, dự án thực hiện trong 30 tháng với kết quả như thế, "tốn đến 4,3 triệu USD là giá quá cao".

 

Giáo sư Trân kiến nghị, để thể hiện đúng những gì đơn vị tư vấn là Viện Thủy lợi Đan Mạch đã làm, cần đặt một tên khác cho dự án MDS, phản ánh đúng thực chất công việc đã được triển khai. Trong tên gọi, theo ông cần viết rõ: "Không tính đến tác nhân biển, tác nhân con người và yếu tố biến đổi khí hậu".

 

>> GS.TS Nguyễn Ngọc Trân: "Tác động đến sản xuất nông nghiệp, tôi cho rằng trên cả ba tiêu chí: sản lượng, diện tích canh tác và thời vụ. Đánh giá của MDS là không đáng tin cậy, kết quả mô phỏng trên máy tính khác rất ra với thực tế và cần được tính toán lại".

 

Sáu Nghệ - thuysanvietnam.com.vn