Tăng lợi nhuận cho người ương giống cá tra

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Trung tâm Khuyến nông An Giang vừa thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ương cá tra 2 giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”, giai đoạn 2023 - 2024. Qua triển khai, mô hình cho thấy kết quả rất khả quan.

 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Phan Hồng Cương, hoạt động ương giống cá tra tại tỉnh phát triển hơn 30 năm, hình thức sơ khai là người dân vớt cá bột tự nhiên trên sông Hậu, sông Tiền để ương nuôi, cung cấp giống ra thị trường. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh của nghề nuôi cá tra thời điểm đó, nguồn giống tự nhiên không đảm bảo, đòi hỏi phải có quy trình tạo giống chuyên nghiệp, tỷ lệ sống cao. Năm 1997, từ sự giúp đỡ của các tổ chức, chuyên gia nước ngoài, An Giang ương nuôi thành công nguồn cá giống chất lượng, phục vụ thị trường thời “hoàng kim” của con cá tra.

“Theo sự thăng trầm của cá, hoạt động ương cá tra giống cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, hiện tượng biến đổi khí hậu, chất lượng nước sụt giảm, giá vật tư đầu vào tăng cao, càng làm cho người ương giống nản lòng. Trước tình hình đó, chúng tôi thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ương cá tra 2 giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”, giai đoạn 2023 - 2024, để gỡ khó cho bà con” - ông Phan Hồng Cương cho biết.

Dự án được được thực hiện tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, với 9 hộ tham gia, thực hiện quy trình ương cá tra từ bột lên giống trong ao đất. Trung tâm Khuyến nông An Giang hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình ương giống cá tra với diện tích thả nuôi 5,3ha; năng suất từ 15 tấn/ha trở lên; tỷ lệ sống từ 15% trở lên; cỡ thu hoạch cá tra giống 45 - 50 con/kg. Cùng với đó, xây dựng, củng cố ít nhất 1 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức đào tạo, tập huấn, tổng kết, thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến kết quả, nhân rộng mô hình. Đặc biệt, phấn đấu hiệu quả kinh tế từ mô hình tăng từ 10 - 15% so cách nuôi truyền thống; nhân rộng mô hình tối thiểu 15% quy mô dự án được phê duyệt…

Trực tiếp tham gia dự án, ông Huỳnh Ngọc Hiếu (ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) cho hay: “Khi nghe Trung tâm Khuyến nông An Giang giới thiệu mô hình, đang chuyên nuôi thủy sản nên tôi mạnh dạn đăng ký tham gia. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn tôi thực hiện theo từng giai đoạn, như: Thiết kế, lắp đặt hệ thống sục khí, cải tạo bồn nuôi, cấp nước, đo chất lượng môi trường nước, thả bột, theo dõi quá trình sinh trưởng, phòng trừ dịch bệnh, đến khi thu hoạch. Ngoài ra, thường nắm tình hình phát triển của cá nuôi, cân đo trọng lượng cá, ngoại hình, lượng thức ăn hàng ngày để điều chỉnh phù hợp”.

Sau khi thực hiện mô hình, ông Hiếu đạt năng suất 13,9 tấn/0,8ha, cao hơn so với phương pháp truyền thống. Tổng chi phí đầu tư của mô hình khoảng 271 triệu đồng, thấp hơn 8,2 triệu đồng so cách làm cũ. Mật độ cá phù hợp giúp giảm chi phí thức ăn, dịch bệnh được quản lý hiệu quả. Nhờ đó, tổng thu của mô hình đạt hơn 319 triệu đồng, cao hơn 34,5 triệu đồng so phương pháp truyền thống. “Tôi nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả thực tế, giúp người nuôi ương cá theo đúng quy trình, chọn giống cá bột chất lượng, thả nuôi mật độ phù hợp, tạo môi trường nước sạch, các chỉ tiêu luôn ổn định. Đây là yếu tố cần thiết giúp tỷ lệ cá sống cao, người nuôi thu được lợi nhuận mong muốn” - ông Huỳnh Ngọc Hiếu nhận định.

Không riêng ông Hiếu, mà các hộ tham gia thực hiện dự án tại 2 tỉnh đều thực hiện đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ nuôi sống 15,7%, khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến theo mô hình, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập khoảng 16,8% so với cách nuôi truyền thống. Đồng thời, mô hình được Công ty TNHH XNK thủy sản NEWSTAR (huyện Châu Phú) và Hội quán cá tra Hồng Tâm (tỉnh Đồng Tháp) ký kết hợp đồng tiêu thụ. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông An Giang nhân rộng mô hình tại 5 huyện: Phú Tân, Châu Thành, Thoại Sơn, An Phú, với 15 hộ tham gia, quy mô 16,8ha. Tại tỉnh Đồng Tháp, đã nhân rộng mô hình quy mô 3ha, có 6 hộ tại TP. Hồng Ngự và huyện Tân Hồng tham gia.

“Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông An Giang, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phối hợp các địa phương thông tin, tuyên truyền để nhân rộng mô hình này, nhằm phát triển nghề ương cá tra theo hướng bền vững tại 2 địa phương nói riêng và cả khu vực ĐBSCL nói chung” - ông Phan Hồng Cương xác định.

Thanh Tiến - baoangiang.com.vn











10540313
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
16716
5187
25365
10505798
54555
54430
10540313

Địa chỉ IP: 3.16.212.203
Giờ máy chủ: 2024-12-26 21:39:54
Visitors Counter