Để cá tra đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, yêu cầu đầu tiên là phải có nguồn giống sạch bệnh, đạt chất lượng; vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất cá tra giống, đáp ứng đủ các điều kiện thì mới cấp giấy chứng nhận.
Cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra
Tại hội nghị "Phát triển giống cá tra thích ứng biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 11.10 tại tỉnh Đồng Tháp, Cục Thủy sản cho biết, đến cuối tháng 9.2024, sản lượng giống cá bột ước đạt 23,6 tỷ con, cá giống ước đạt 3,41 tỷ con. Ước cả năm 2024, sản lượng cá bột thu hoạch đạt 30 tỷ con, cá giống đạt 4 tỷ con, vượt 16% so với cùng kỳ năm 2023. Giá cá giống loại 30 con/kg giá 26.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng 8.2024 và thấp hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện, cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá giống bố mẹ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Có 76 cơ sở sản xuất giống thương phẩm, 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (từ cá bột lên cá giống). Có 97/1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống được cấp Giấy chứng nhận, hết tháng 9.2024 thực hiện kiểm tra duy trì được 81/97 cơ sở. Có 61/76 cơ sở sản xuất cá tra bột, 97/1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết, với năng lực hiện tại, các cơ sở đủ khả năng cung ứng nhu cầu cá giống cho các cơ sở nuôi thương phẩm trong tỉnh. Tuy nhiên, các cơ sở còn manh mún, các ao ương dưỡng đã có từ rất lâu năm. Nhiều cơ sở chưa nắm rõ các quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống; chưa đầu tư về cơ sở vật chất, chuẩn bị tốt để thực hiện các quy định. Ngoài ra, các cơ sở nuôi thương phẩm phục vụ xuất khẩu chưa quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc giống thủy sản, nên giá cá giống mua của các cơ sở có giấy tờ nguồn gốc đầy đủ cũng bằng giá cá giống của các cơ sở không thực hiện giấy tờ...
Theo phản ánh của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào việc nộp hồ sơ của người dân, cơ sở không đạt về tiêu chí cơ sở hạ tầng và không khắc phục theo hướng dẫn của đơn vị kiểm tra.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất giống cá tra gặp nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, dịch bệnh diễn ra thường xuyên và khó điều trị. Giá cả con giống không ổn định, chi phí đầu vào tăng, tỷ lệ sống trong khâu ương dưỡng thấp. Các vùng sản xuất giống tập trung trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng phù hợp để sản xuất giống bảo đảm chất lượng.
UBND TP. Cần Thơ cũng cho biết, trong quá trình quản lý giống cá tra sự phối hợp giữa các khâu trong chuỗi sản xuất chưa chặt chẽ; cơ sở hạ tầng phục vụ ngành sản xuất giống cá tra chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng nguồn nước nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu suy giảm do ô nhiễm, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu làm cho hiệu quả sản xuất giống ảnh hưởng, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Một số khâu trong chuỗi sản xuất chưa được cơ giới hóa làm tăng giá thành sản xuất.
Không đủ điều kiện thì tuyệt đối không cấp chứng nhận
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất cá tra giống; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giống cá tra 3 cấp, từ sản xuất, cung ứng giống bố mẹ đến sản xuất giống thương phẩm và ương nuôi thành giống thương phẩm…
Để có con cá tra da trơn hoàn hảo đạt chất lượng sạch từ ao nuôi đến xuất khẩu, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề nghị các địa phương quản lý chặt các cơ sở sản xuất giống cá tra. Các cơ sở sản xuất giống cá tra trên địa bàn nào đủ điều kiện thì cơ quan cấp giấy chứng nhận, nếu cơ sở nào không đủ điều kiện thì tuyệt đối không cấp giấy phép và có biện pháp xử lý nghiêm. Bên cạnh đó khuyến cáo giảm sử dụng chất cấm và kháng sinh trong ao nuôi mà tăng cường phòng bệnh trên đàn cá tra bằng việc tăng cường tiêm phòng vaccine nhằm giảm dịch bệnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản cho các vùng ương nuôi cá giống và cả nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, thực hiện tốt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao. "Chúng ta cần tập trung tối đa cho giai đoạn hội nhập để nâng cao tầm vóc của ngành hàng, phấn đấu sản lượng 1,75 - 1,8 triệu tấn/năm, xuất khẩu trên 2 tỷ USD", ông Tiến nói.
Hạnh Nhung - daibieunhandan.vn