Đã vào mùa nước nổi hay còn gọi mùa lũ nhưng gần đây mực sông Cửu Long vẫn thấp, mực nước lũ chưa chạm đến mức báo động 1 là mức cảnh báo thấp nhất. Lũ về chậm, nước chưa vào đồng ruộng kéo theo lượng cá tôm sinh sôi tự nhiên giảm đi đáng quan ngại. Vì vậy, việc thả cá bản địa về sông thời điểm này là cần thiết để tăng nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong mùa nước nổi cho bây giờ và mai sau.
Thả cá trên sông Vàm Nao
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Mới đây, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang phối hợp cùng UBND huyện.Châu Phú, Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo, Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cùng các nhà hảo tâm đã thả gần 15 tấn cá và 193 ngàn con cá giống xuống sông Vàm Nao đoạn chảy qua xã Bình Thủy, huyện Châu Phú. Đây là hoạt động nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2019 với chủ đề: “Chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đã đánh giá cao của tỉnh An Giang trong các hoạt động thả cá về sông tạo nguồn lợi thủy sản dài lâu. Tại buổi phát động, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, số cá trên do các cấp, các tổ chức, người dân và các tín đồ Tôn giáo hỗ trợ đóng góp với số tiền quy ra gần 1 tỷ đồng. Trong đó, Tổng cục Thủy sản hỗ trợ 16.000 con cá hô và bông Lau, các loài cá được thả gồm cá bông lau, cá hô, mè hôi, vồ đém, chạch lấu, lăng nha…
Nhân buổi lễ này, ông Lâm kêu gọi toàn thể người dân hãy tích cực tham gia, ủng hộ công tác bảo vệ, phát triển và giữ gìn nguồn lợi thủy sản cho hiện tại và các thế hệ mai sau. Cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hướng tới việc khai thác hợp lý, hiệu quả, ổn định và bền vững, không sử dụng các ngư cụ đánh bắt mang tính hủy diệt và đánh bắt các loài thủy sản cấm khai thác. Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thời gian tới.
Tiếp tục thả cá
Trong năm 2018, Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, UBND huyện Chợ Mới, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo đã thả xuống sông Vàm Nao trên 7,6 tấn cá giống các loại và hơn 180 ngàn cá giống bản địa với tổng kinh phí trên 570 triệu đồng. Sông Vàm Nao là sông lớn chảy qua 3 huyện Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú lại thông với sông Hậu, sông Tiền nên ai cũng hy vọng là nơi thích hợp cho cá tôm thả xuống có chỗ ẩn náu, sinh sôi. Ông Lâm cho biết, trong năm 2020, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị trên và huyện Phú Tân thả cá xuống sông Vàm Nao.
Như bao con sông khác, sông Vàm Nao một thời nhiều cá tôm nhưng nay nguồn cá suy giảm mạnh. Vì vậy, ngày 30.7.2012, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định phê duyệt đề án khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh An Giang đến năm 2020 để khôi phục và duy trì nguồn cá tự nhiên.
Ông Sĩ Lâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2012 đến năm 2018, Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương, tổ chức tôn giáo thực hiện thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn An Giang trên sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao. Qua 7 năm, đã thả trên 110 tấn cá giống gồm cá hô, cá cóc, cá ét, cá mè hôi, cá ba sa…với tổng giá trị quy ra tiền hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Phật tử đóng góp. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân, các tín đồ tôn giáo còn tự vận động và tổ chức thả cá về sông.
Ông Lâm khẳng định: “việc phát động thả cá về tự nhiên là hoạt động thiết thực, mang tính nhân văn, tái tạo đàn các loài cá bản địa, quý hiếm và các loài cá có giá trị kinh tế cao đang bị khai thác quá mức, mất dần trên sông”.
Bài và ảnh: Phương Nam
angiang.gov.vn