Ương lươn đồng các giai đoạn từ lươn bột lên hương, hương lên giống cấp 1, lên giống cấp 2, trong ao đất ngoài tự nhiên, tỷ lệ sống trên 90%...
Lươn đồng ương trong giai (khung lưới chắn hình hộp chữ nhật, diện tích khoảng 6m2 - PV), đặt trong ao đất tỷ lệ sống trên 90%, phát triển ổn định
Ương lươn đồng các giai đoạn từ lươn bột lên hương, hương lên giống cấp 1, lên giống cấp 2, trong ao đất ngoài tự nhiên, tỷ lệ sống trên 90%, không bấp bênh như ương trong bể xi măng lót bạt đặt trong nhà. Ngoài ra, cách ương mới này còn tiết kiệm chi phí, công lao động, hiệu quả cao.
Sau khi ương lươn bột trong bể composite 30 ngày thì chuyển qua bể ương xi măng lót bạt để ương lươn bột lên lươn hương. Cách này, tỷ lệ sống thấp, có đợt thì hoàn toàn thất bại do nhiệt độ tăng cao đột ngột vượt ngưỡng cho phép. Từ đó làm NH3 cũng tăng theo, có khi lên đến 0,5mg/lít.
Để khắc phục tình trạng này, vào cuối năm 2015, những kỹ sư thuỷ sản của Trạm Thực nghiệm thủy sản Mỹ Châu (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã chuyển hệ thống bể ương ra ngoài có mái che, từ đó nhiệt độ có phần ổn định hơn. Tuy nhiên kết quả ương lươn bột lên lươn hương tỷ lệ sống cũng chỉ đạt khoảng 60%.
Kết quả này chưa thỏa mãn, những người thực hiện đề tài lại thử nghiệm ương lương bột lên lươn hương ở ngoài ao đất tự nhiên. Tại đây lươn bột được nuôi trong khay nhựa (cỡ 40x80x20cm), có gắn lưới mắt nhỏ chắn không cho lươn ra ngoài, với mật độ từ 200 - 300 con/m2. Khay được đặt dưới ao tự nhiên trong những cái giai (khung lưới chắn hình hộp chữ nhật, diện tích khoảng 6m2 - PV), phía trên giai có che mát bằng lưới nhựa.
Mỗi giai chứa nhiều khay, trong mỗi khay có thả bèo lục bình chiếm khoảng 30% diện tích, vừa để lươn trú ẩn vừa góp phần giảm nhiệt độ. Cộng vào đó là nước trong ao tự nhiên nên nhiệt độ trong khay nuôi khá ổn định từ 23 - 30oC, tùy theo buổi sáng, chiều. Khi nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa thì thay một phần nước trong ao. Từ đó độ pH cũng ổn định từ 6,8 - 7,6, NH3 cũng trong mức cho phép 0,0 - 0,1mg/lít.
Thức ăn ban đầu là trùn chỉ, sau 20 ngày thay dần trùn chỉ bằng cám công nghiệp 42% đạm, kết hợp trùn quế xay nhuyễn và cá tạp. Điều chú ý là thường xuyên vệ sinh khay, thay nước trong ao, sau 15 ngày nên thay khay nuôi và thay giá thể mới. Nuôi trong môi trường ao đất khắc phục được tình trạng NH3 tăng vượt ngưỡng.
Kết quả của phương pháp này cho thấy, tỷ lệ sống trong giai đoạn ương lươn bột lên lươn hương khá cao, đạt từ 88 - 91%, cao hơn trước từ 28 - 30%, lại tránh được rủi ro lươn chết hàng loạt. Lươn bột ương lên lươn hương, sau 30 ngày đạt chiều dài thân trung bình 4cm, khối lượng 0,3g/con. Chỉ trong 2 tháng 3 - 4/2016, qua 4 đợt ương, trung tâm đã sản xuất trên 10.600 con lươn ở giai đoạn hương.
Ương lươn hương lên lươn giống cấp 1, những người thực hiện cũng đưa ra ao đất, trong giai, mật đô từ 100 - 200 con/m2, cũng có thả một ít bèo lục bình, thay nước một phần trong ao đất tự nhiên. Thức ăn chủ yếu là trùn quế và cá tạp xay nhuyễn, có bổ sung cám công nghiệp. Khẩu phần ăn từ 10 - 15% trọng lượng thân, chỉ cho ăn một lần vào khoảng 17 giờ hàng ngày.
Kết quả sau 2 tháng ương nuôi từ lươn hương lên lươn giống cấp 1, tỷ lệ sống trung bình đạt 90% (cao hơn cách ương cũ trong bể xi măng), chiều dài thân trung bình 16,5cm, khối lượng trung bình 4,2 g/con, không thấy xảy ra dịch bệnh.
Lươn giống cấp 2 ương trong ao đất phát triển tốt
Ương từ lươn giống cấp 1 lên lươn cấp 2 để nuôi thương phẩm cũng được thực hiện trong ao đất, trong giai có lưới che mát, tỷ lệ sống trung bình trên 93% (trong bể xi măng lót bạt là 30 - 90%), khối lượng trung bình đạt 16 g/con, chiều dài thân 20cm.
Ương trong ao đất các giai đoạn bột lên hương, hương lên giống cấp 1, lên giống cấp 2, tỷ lệ sống đảm bảo không bấp bênh như trong bể lót bạt đặt trong nhà. Ngoài ra cách ương mới này còn tiết kiệm chi phí công lao động, mà hiệu quả lại cao.
Bên cạnh việc cho sinh sản, sản xuất con giống, trung tâm còn thực hiện 6 mô hình nuôi lươn thương phẩm, với phương pháp nuôi không bùn ở các huyện: Hoài n, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Mỗi mô hình nuôi từ 1.500 - 2.000 con lươn giống cấp 2.
Kết quả, qua 6 tháng nuôi đạt tổng sản lượng trên 1,4 tấn lươn thương phẩm. Trong đó đáng chú ý là mô hình ở huyện Hoài n thả nuôi 2.000 con, tỷ lệ sống 88,2%, đạt sản lượng 388kg lươn thương phẩm.
Các mô hình khác cũng đạt kết quả cao. Riêng mô hình ở huyện Tuy Phước, do thiếu nước tự nhiên phải dùng nước máy, có Clo, nuôi thời điểm môi trường nhiệt độ cao do nắng nóng, nên tỷ lệ sống đạt thấp chỉ 51%.
Theo ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm sinh sản, ương và nuôi thương phẩm lươn đồng tại Bình Định”, sau hơn 2 năm thực hiện đề tài đã SX trên 85 ngàn con lươn bột, gần 48 ngàn con lươn hương, 30 ngàn con lươn cấp 1, 21 ngàn con lươn cấp 2 và 1,48 tấn lươn thương phẩm. Hiện tại giá lươn thương phẩm khoảng 140 ngàn đồng/kg, người nuôi có lãi. Lươn giống bán nhiều cho các nơi trong và ngoài tỉnh như Quảng Nam, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế. Nhiều lúc không đủ con giống để bán.
Hiện tại, trung tâm tiếp tục cho lươn đồng sinh sản, ương con giống để cung cấp cho thị trường. Trung tâm hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi, tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân trong tỉnh. Không những nuôi thương phẩm, trung tâm còn chuyển giao kỹ thuật ương từ con giống cấp 1 lên giống cấp 2 cho bà con. Trung tâm sau này chỉ cho sinh sản ương con giống đến giai đoạn cấp 1 rồi bán cho người nuôi thương phẩm tự ương lên giống cấp 2. |
Hoàng Lân - nongnghiep.vn