Đột phá từ mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Bạn đánh giá:  / 1
DỡHay 

Thực hiện Quyết định 985 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động để thực hiện chương trình này gắn với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước.

 

CƠ HỘI CHO NGÀNH TÔM

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển NTTS đã mở ra nhiều cơ hội cho Bạc Liêu khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh trong NTTS với mặt hàng chủ lực là con tôm.

Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, con tôm luôn có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP và giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động của địa phương. Năm 2022, ngành tôm Bạc Liêu đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc góp phần cho toàn ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 5% so với năm 2021 chỉ tăng trưởng 3,12% và đưa tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 9,6%, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước.

Qua đó càng khẳng định, phát triển NTTS không chỉ có ý nghĩa chiến lược cho tăng trưởng kinh tế, mà còn là giải pháp mang tính nền tảng trong việc hình thành, thúc đẩy phát triển các mô hình NTTS theo hướng chuyên sâu, chuyển từ tập quán sản xuất cũ sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp và chọn ứng dụng công nghệ 4.0 làm khâu đột phá. Tiêu biểu cho sự khởi sắc này chính là việc hình thành các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và cũng từ đây đã tạo ra những bước đột phá trong nghề NTTS của tỉnh, góp phần cho tổng sản lượng tôm năm 2022 đạt 224.690 tấn, tăng 31,27% so với năm 2021.

Đặc biệt, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đã có sự phát triển nhanh so với năm 2021 và tăng gấp 60 lần so với năm 2015. Hiện toàn tỉnh có 25 công ty, đơn vị và hơn 810 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh ƯDCNC, với diện tích hơn 4.600ha và cho năng suất, sản lượng tôm nuôi giữa các mô hình (ao lót bạt và hồ tròn) đạt rất cao so với mô hình nuôi trong ao đất. Cụ thể, hồ tròn cho năng suất từ 2,7 - 3,3 tấn/hồ 500m2, ao lót bạt cho năng suất 3,8 - 7 tấn/ao 1.000m2.

Không chỉ thế, Bạc Liêu hiện có 5 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC và 18 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: ASC, GAP, GlobalGAP…

Cùng với quan tâm đầu tư phát triển các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ƯDCNC, Bạc Liêu cũng đã tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và phát triển mạnh ngành Chế biến thủy sản xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu sang các nước như: châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Trung Đông… với công suất thiết kế 209.700 tấn/năm. Năm 2022, thủy sản xuất khẩu đạt 82.643 tấn và mang về giá trị kim ngạch trên 853 triệu USD.

Điều đáng ghi nhận, với những kinh nghiệm được đúc kết và ứng dụng các thành tựu kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nên tỷ lệ thành công trong nuôi tôm thời gian gần đây rất phấn khởi. Diện tích bị thiệt hại giảm khá nhiều, nhất là đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh (TC-BTC) tỷ lệ thiệt hại giảm trên 70%.

Song, thách thức lớn nhất với NTTS nói chung, con tôm nói riêng vẫn là môi trường và chất lượng con giống. Trong năm 2022, diện tích thiệt hại trên thủy sản nuôi (chủ yếu trên tôm nuôi thương phẩm) là hơn 4.470ha (chiếm 3,17% diện tích thả giống). Qua phân tích nguyên nhân cho thấy, tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu do môi trường, thời tiết và chất lượng con giống.

PHÁT HUY THẾ MẠNH

Để phát huy thế mạnh và gắn với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước, tỉnh sẽ tích cực thực hiện Chương trình quốc gia phát triển NTTS và chọn con tôm là khâu đột phá.

Theo đó, Bạc Liêu đề ra mục tiêu chung đến năm 2030 là khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh nghề NTTS theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong đó, trọng tâm là phát triển mô hình nuôi tôm ƯDCNC, quản trị hiện đại gắn với liên kết chuỗi giá trị. Đồng thời, không ngừng cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030, sản lượng NTTS đạt 590.000 tấn/năm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, Bạc Liêu sẽ tập trung phát triển các vùng nuôi tôm TC-BTC và siêu thâm canh ƯDCNC, nuôi tôm tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Phát triển mô hình nuôi thủy sản mới theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thủy sản. Ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm siêu TC-BTC và siêu thâm canh ƯDCNC. Trong đó, xác định nuôi siêu thâm canh ƯDCNC làm điểm nhấn, nhưng đảm bảo hệ thống xử lý nước thải.

Cùng với khuyến khích đầu tư cho con tôm công nhiệp là phát triển ổn định các mô hình nuôi tôm sinh thái, mở rộng diện tích nuôi tôm - lúa theo hướng “lúa thơm, tôm sạch”. Cũng như phát triển các mô hình nuôi tôm càng xanh chuyên canh, nuôi xen canh, luân canh (nuôi kết hợp tôm - lúa, nuôi ghép tôm càng xanh với các loài thủy sản khác). Hình thành các vùng nuôi tập trung ở các địa phương có điều kiện phù hợp, khai thác diện tích đất, mặt nước các vùng bị tác động bởi BĐKH và xâm nhập mặn vào nuôi tôm càng xanh để tăng sản lượng, giá trị và hiệu quả sử dụng.

Ngoài con tôm là sản phẩm chủ lực sẽ phát triển nuôi thêm các loài cá truyền thống và cá bản địa, nhất là nguồn cá đồng ở các vùng nông thôn có điều kiện sinh thái phù hợp, nhằm chủ động nguồn cung thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo…

Đặc biệt, trong thực hiện Chương trình quốc gia về phát triển NTTS, Bạc Liêu sẽ tập trung xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả. Khuyến khích phát triển các mô hình NTTS áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện với môi trường, thích ứng với BĐKH. Nhân rộng các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành NTTS tốt (VietGAP, GlobalGAP, ASC...) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Song song đó, xây dựng, phát triển các vùng nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện giám sát dư lượng hóa chất, thuốc, kháng sinh. Đẩy nhanh cấp giấy xác nhận cho các đối tượng nuôi chủ lực, gắn với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định của pháp luật và yêu cầu của thị trường. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc đăng ký xác nhận các đối tượng nuôi chủ lực đối với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, TC-BTC và tôm quảng canh cải tiến kết hợp, tôm - lúa.

Thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng sản xuất giống và NTTS tập trung. Xây dựng hệ thống trạm quan trắc môi trường nước tự động dạng phao nổi phục vụ NTTS. Dự báo, cảnh báo sớm về chất lượng môi trường và dịch bệnh thủy sản bằng công cụ tính toán khoa học và trí tuệ nhân tạo. Áp dụng công nghệ mới trên nền tảng số để đánh giá tác động của BĐKH, xâm nhập mặn và thông tin kịp thời kết quả quan trắc để người sản xuất chủ động, xử lý các sự cố về môi trường và dịch bệnh. Tăng cường năng lực phòng ngừa và cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường trong NTTS…

Kim Trung - baobaclieu.vn

 

 

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Cần tổ chức lại sản xuất các vùng NTTS theo hướng tập trung

Để thực hiện tốt Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình quốc gia về phát triển NTTS, đề nghị các ngành, địa phương cần tổ chức lại sản xuất các vùng NTTS theo hướng tập trung, xây dựng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, các mô hình liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, cá nhân theo hình thức hợp tác gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả.

Tổ chức liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm, tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa các doanh nghiệp, người sản xuất, dịch vụ vật tư đầu vào và các doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm NTTS. Đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng rộng rãi sản xuất an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đăng ký xác nhận đối tượng nuôi chủ lực, gắn với việc truy xuất nguồn gốc, điều kiện an toàn thực phẩm và thực hành NTTS tốt (GAP). Đồng thời, tăng cường năng lực phòng ngừa và cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường trong NTTS.

Cùng với đó, khuyến khích và phát triển các mô hình câu lạc bộ, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với doanh nghiệp và người NTTS. Xây dựng các vùng nuôi tập trung, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn.

Về phía UBND tỉnh, sẽ tranh thủ huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng NTTS theo hướng đồng bộ, phù hợp quy hoạch, chương trình, đề án, đáp ứng tiêu chí, quy định của Luật Thủy sản năm 2017, bao gồm: vùng NTTS tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, hệ thống logistics, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về NTTS và hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong NTTS.

Cùng với đó là đầu tư hệ thống thủy lợi, đa mục tiêu đảm bảo cấp nước phục vụ cho nuôi thủy sản thâm canh theo hướng công nghiệp, ƯDCNC. Xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với đặc điểm của từng tiểu vùng sản xuất, kết hợp chặt chẽ với phát triển giao thông nông thôn đảm bảo phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đầu mối thiết yếu tại một số vùng sản xuất giống tập trung, vùng NTTS tập trung để sản xuất theo hướng hiệu quả và bền vững. Ưu tiên đầu tư tại các vùng nuôi đối tượng thủy sản chủ lực, nuôi thủy sản có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn làm cơ sở để lan tỏa, phát triển các vùng nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là phấn đấu xây dựng hoàn thành “Khu nông nghiệp ƯDCNC phát triển tôm Bạc Liêu” và Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”…


Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Tập trung làm tốt quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn và được xác định là trụ cột số 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả trụ cột thứ nhất “Phát triển nông nghiệp với trọng tâm là nông nghiệp ƯDCNC, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra gắn với thực hiện Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình quốc gia về phát triển NTTS, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch. Trong đó, thực hiện quy hoạch chi tiết cho các vùng nuôi tôm TC-BTC và siêu thâm canh ƯDCNC của tỉnh (Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đang trong giai đoạn hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền phê duyệt). Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển các mô hình nuôi tôm TC-BTC và siêu thâm canh ƯDCNC của tỉnh, mô hình tôm - lúa theo hướng “lúa thơm, tôm sạch” theo Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ƯDCNC theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết 09 về phát triển vùng Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, hạn chế sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất, các loại phân bón vô cơ, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật, chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: sử dụng men vi sinh để quản lý môi trường, sử dụng con giống sạch bệnh, thả nuôi mật độ phù hợp và thả xen ghép các đối tượng cá để xử lý nước… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn cho người tiêu dùng…

Mặt khác, nghiên cứu, xây dựng các quy trình công nghệ nuôi trồng an toàn sinh học, sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn khép kín, công nghệ nuôi ít sử dụng nước, ít xả thải ra môi trường, thích ứng với BĐKH và nước biển dâng. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp đang tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, kỹ năng cao. Tổ chức đào tạo những kiến thức mới về quản lý, công nghệ, chuyển đổi số và các mô hình nông nghiệp tiên tiến bền vững cho hệ thống khuyến nông, nhằm nâng cao năng lực, củng cố hệ thống khuyến nông nhà nước, khuyến nông cộng đồng tại địa phương gắn với đầu tư xây dựng chương trình phát triển khuyến nông điện tử.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách phù hợp để các hộ dân nuôi tôm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư cho sản xuất, nhất là nuôi tôm siêu thâm canh ƯDCNC, nhằm khuyến khích và tạo sự lan tỏa mạnh từ mô hình nuôi này.


L.D (thực hiện)

 











10453016
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1164
709
4133
10442795
21688
46203
10453016

Địa chỉ IP: 3.135.184.27
Giờ máy chủ: 2024-11-22 22:46:35
Visitors Counter