Tại tỉnh Bình Định, nhiều hộ dân nuôi tôm thâm canh đã bắt đầu chuyển đổi dần hình thức nuôi theo hướng công nghệ cao. Tính đến tháng 4.2022, diện tích ao hồ thả tôm trên toàn tỉnh đạt 1.728,2 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghệ cao là 29,5 ha, chiếm 1,7% . Việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thương phẩm chưa nhiều nhưng đã mở ra hướng đi mới cho các hộ nuôi tôm trong tỉnh; đồng thời khẳng định đó là xu thế tất yếu.
Tiếp nối thành công trong việc triển khai mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc” trong các năm 2020 và 2021, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình này tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, để chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Semi-Biofloc cho nông dân, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.
Thực hiện mô hình này, hộ tham gia được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua con giống và vật tư, được hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi. Ông Thái Duyên Hạnh, một người nuôi tôm ở Cát Khánh, cho biết: Tôi tham gia thực hiện mô hình trên ao nuôi rộng 1.500 m2; được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình nên mọi việc mau chóng trơn tru, kết quả khá khả quan. Qua 3 tháng thả nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống cao (80%). Theo kinh nghiệm của tôi, nếu không có gì bất thường, dự kiến sẽ lãi khoảng 350 triệu đồng, cao hơn so với nuôi kiểu cũ khá nhiều.
Tại hội thảo tổng kết đánh giá kết quả sau 3 tháng thả nuôi (tháng 3 đến tháng 6), đa số hộ nuôi tôm tham gia thực hiện mô hình đánh giá cao ưu thế của kỹ thuật mới. Ông Thái Duyên Hạnh phân tích thêm, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nhiều ao nuôi trong vùng đã phát sinh bệnh, dịch, buộc phải xả ao sớm. Tuy nhiên, toàn bộ các ao tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc đều sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi tin rằng, rồi đây sẽ có thêm nhiều hộ tìm cách áp dụng công nghệ này để nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo môi trường nuôi ngày càng bền vững.
Thành Nguyên - baobinhdinh.vn