Xuất khẩu thủy sản sang Singapore: Doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Bạn đánh giá:  / 1
DỡHay 

Là nước không đánh bắt thủy sản, nhưng Singapore là một trung tâm thương mại quốc tế, có thể giúp Việt Nam xuất khẩu thủy sản không chỉ sang quốc đảo này mà vươn tầm thế giới.

 

Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Singapore trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 35 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện Singapore nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu sang Singapore gồm: Malaysia, Na Uy, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam. Nước ta hiện đứng vị trí thứ 5 xuất khẩu thủy sản sang quốc đảo Singapore, với các sản phẩm xuất khẩu chính gồm tôm, cá tra, cá ngừ.

Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại - Trưởng Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho biết, Singapore chỉ có thể tự chủ được 10% nguồn lương thực, còn 90% phải nhập khẩu, trong đó có thủy sản. Đây là một trong những hub (trung tâm) thương mại và trung chuyển để xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, đây là một trong những đất nước nổi tiếng với hệ thống nhà hàng, du lịch, khách sạn rất lớn, là quốc gia đa sắc tộc, nhưng đều sử dụng thủy sản. Do vậy, việc tiêu thụ thủy sản được đánh giá ngày một tăng tại đất nước này.

"Singapore đã ký kết với 15 đối tác thương mại. Đây là một trong những lợi thế mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để xuất khẩu thủy sản nói riêng và các sản phẩm nông sản nói chung đi các nước. Thay vì doanh nghiệp phải làm việc với từng thị trường, thì mình làm việc với 1 hub của khu vực…  Đây là cách để tiết kiệm chi phí giới thiệu, quảng bá thương hiệu với thế giới", ông Cao Xuân Thắng khuyến nghị. 

Cũng theo lời ông Thắng, sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất hiện ở Singapore với tần suất ngày càng nhiều và ngày càng được biết đến hơn qua các hoạt động trưng bày sản phẩm, xúc tiến thương mại...

"Người Singapore đánh giá các sản phẩm thủy sản Việt Nam giá trị tốt, chất lượng ngon", ông Cao Xuân Thắng nói và cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp Singapore đến Việt Nam mua hoặc đầu tư ở lĩnh vực thủy sản để xuất khẩu đi các nước khác.

Thời gian qua, VASEP, Sở ngoại vụ TP.HCM, Đại sứ quán tại các quốc gia có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, hợp tác hữu nghị, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Singapore trong lĩnh vực thủy sản. Qua đó, góp phần giúp Việt Nam có thể thu hút, gia tăng thị phần xuất khẩu tại Singapore và Singapore có cơ hội mở rộng hoạt động đầu tư cũng như kinh doanh hiệu quả trong việc hội nhập thị trường của Việt Nam.

Đơn cử như ngày 25/6, tại TP.HCM, với sự hỗ trợ của Sở Ngoại vụ TP.HCM, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, phái đoàn các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thủy sản Singapore đã có buổi làm việc với VASEP và kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong ngành thủy sản của Việt Nam.

"Trong chuyến công tác này, chúng tôi sẽ hỗ trợ kết nối Hiệp hội Thủy sản Singapore với các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang... để cùng trao đổi về nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng thủy sản của phía bạn", Tham tán Thương mại - Trưởng Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore Cao Xuân Thắng cho hay.

Ông Thắng cho biết, Singapore gần như không có một hàng rào kỹ thuật nào trong việc hạn chế nhập khẩu vào nước nay, có thể chấp nhận mua giá cao hơn, tuy nhiên, lại khá nghiêm ngặt trong việc kiểm soát chất lượng.

"Chúng ta đã làm tốt về chất lượng thì phải duy trì chất lượng, đấy là lợi thế của thủy sản nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung. Bởi một khi, chỉ cần chất lượng sản phẩm có vấn đề về tồn dư kháng sinh, vi sinh vật… thì gần như doanh nghiệp đó không còn khả năng để quay trở lại thị trường Singapore", ông Thắng khuyến nghị.

Ông Kenneth Chia, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Singapore, cho biết, trong chuyến công tác lần đầu tiên đến Việt Nam lần này, là các doanh nghiệp, nhà thương mại, nhà đầu tư các sản phẩm quốc tế, có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu vào các thị trường lớn trên thế giới. 

Hiệp hội Thủy sản Singapore mong muốn được làm việc với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, cũng như VASEP để không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho Singapore, mà còn giúp Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Singapore và vươn tầm thế giới.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, trên địa bàn tỉnh có 53 dự án vốn đầu tư Singapore với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, thuộc top 10 quốc gia có vốn đầu tư cao nhất tại tỉnh. Trong đó, các dự án đang hoạt động ổn định chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải, khai thác cảng biển, phân bón, thực phẩm, vật liệu xây dựng, điện, cơ khí.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 175 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản. Trong đó, 54 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình chứng nhận thủy sản xuất khẩu vào các thị trường EU, liên minh Kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường Trung Đông...; đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm (HACCP, ISO 22.000, Halal, IFS, BRC...).

 

Nguyễn Thủy - nongnghiep.vn











10479198
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
12476
8705
21181
10448883
47870
46203
10479198

Địa chỉ IP: 3.144.101.75
Giờ máy chủ: 2024-11-26 14:22:33
Visitors Counter