Hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc

Bạn đánh giá:  / 1
DỡHay 

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường (Bộ NN-PTNT) lưu ý các yếu tố để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công các mặt hàng thủy sản vào Trung Quốc.

 

Một số yêu cầu đặc thù của thị trường Trung Quốc

Để xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc, cơ sở sản xuất phải được Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường (NAFIQPM) thẩm định và chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP), đồng thời có tên trong danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Mỗi lô hàng phải được thẩm định và kèm theo chứng thư theo mẫu quy định do NAFIQPM cấp, bao gồm các mẫu tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn sống.

Sản phẩm xuất khẩu cần phải nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận, với tổng cộng 128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật sống.

Đối với các cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, và tôm hùm sống, cơ sở phải được đưa vào danh sách riêng do Trung Quốc công nhận. Các cơ sở nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng phải có tên trong danh sách được Trung Quốc công nhận.

Những cơ sở này phải được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương kiểm tra và chứng nhận điều kiện ATTP cũng như điều kiện vệ sinh thú y, đồng thời được cấp mã số; được cơ quan thú y địa phương giám sát các bệnh như hội chứng Taura (TSV), bệnh tôm còi do nhiễm virus Monodon Baculovirus (MBV), bệnh đốm trắng (WSSV), và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) trong ba giai đoạn nuôi (trước khi thả giống, giữa giai đoạn nuôi và cuối giai đoạn nuôi).

Về phòng chống Covid-19, các cơ sở phải tuân thủ hướng dẫn của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chỉ thị cụ thể của Trung Quốc.

Đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc

Theo Lệnh 248 ngày 12/4/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc phải thực hiện quy định đăng ký mới. Quy định này yêu cầu các cơ sở phải đăng ký và được cấp phép trước khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Thêm vào đó, Lệnh 249 ngày 14/4/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, quy định về kiểm soát ATTP xuất nhập khẩu yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo ATTP trong quá trình xuất khẩu và nhập khẩu.

Lệnh 248 quy định việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản trên Hệ thống Thương mại Một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Lệnh 248 áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và bảo quản thủy sản, bao gồm cả các sản phẩm tươi, ướp đá và đông lạnh, có nhu cầu xuất khẩu vào Trung Quốc.

Điều kiện đăng ký

Doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý ATTP được GACC đánh giá và công nhận là tương đương với tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Doanh nghiệp phải thiết lập một hệ thống quản lý ATTP hiệu quả, đảm bảo rằng thực phẩm xuất khẩu đáp ứng các quy định về ATTP của Trung Quốc và được giám sát bởi cơ quan thẩm quyền quốc gia là NAFIQPM.

Doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu của GACC và cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu về kiểm tra và kiểm dịch.

Đăng ký được thực hiện thông qua hệ thống CIFER tại địa chỉ: https://app.singlewindow.cn/. Quy trình đăng ký bao gồm:

Doanh nghiệp khai báo thông tin và gửi hồ sơ đăng ký.

NAFIQAD thẩm tra hồ sơ và gửi hồ sơ đăng ký lên hệ thống.

Đơn vị tiếp nhận và xử lý đăng ký là Cục An toàn Thực phẩm Xuất Nhập Khẩu, GACC.

Hồ sơ đăng ký cần được chuẩn bị bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh, bao gồm: Thư giới thiệu của NAFIQAD; bản cam kết của doanh nghiệp; hồ sơ liên quan của doanh nghiệp như giấy phép kinh doanh; biên bản thẩm định điều kiện ATTP của doanh nghiệp.

Sau đó, GACC sẽ thẩm tra, xử lý hồ sơ và thông báo kết quả trên hệ thống CIFER. Doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sẽ nhận được số đăng ký tại Trung Quốc. Giấy phép đăng ký có hiệu lực trong 05 năm kể từ ngày cấp.

Bên cạnh đó, để xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua và tôm hùm sống vào Trung Quốc, cơ sở chế biến phải được NAFIQPM thẩm định và chứng nhận điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Đối với các cơ sở nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, cơ sở phải được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP và vệ sinh thú y, đồng thời cấp mã số; chịu sự giám sát của cơ quan thú y địa phương về các bệnh trong ba giai đoạn nuôi.

Doanh nghiệp cần gửi văn bản đề nghị đăng ký kèm theo bản cung cấp thông tin theo yêu cầu của Trung Quốc. Hồ sơ này có thể được tải xuống từ website của NAFIQPM theo đường link https://nafiqad.gov.vn. NAFIQPM sẽ thẩm tra và gửi văn bản đề nghị cùng hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp cho Vụ Giám sát và Kiểm dịch Động thực vật của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Vụ Giám sát và Kiểm dịch Động thực vật sẽ cập nhật danh sách các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu trên website của GACC; liên kết được đăng tải trên website của NAFIQPM tại địa chỉ https://nafiqad.gov.vn.

Khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc hiện đang đối mặt với một số khó khăn và vướng mắc. Một trong những vấn đề chính là sự chậm trễ trong việc xử lý và phê duyệt hồ sơ đăng ký trên hệ thống CIFER, cũng như việc phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống từ phía Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc cập nhật thông tin và làm việc với cơ quan chức năng.

Hơn nữa, phía Trung Quốc cũng thường xuyên phản hồi chậm đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam. Một số doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là trong việc đăng ký gia hạn.

Để đảm bảo quy trình đăng ký và xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc diễn ra suôn sẻ, các doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm quan trọng. Hồ sơ và văn bản gửi kèm phải là bản gốc và kèm theo bản dịch công chứng nếu bản gốc là tiếng Việt. Thông tin trên các giấy tờ, bao gồm tên, địa chỉ của doanh nghiệp, phải trùng khớp với nhau để tránh các sai sót.

Người ký xác nhận các giấy tờ liên quan, chẳng hạn như bản cam kết của doanh nghiệp và Checklist, phải là người đại diện pháp luật được ghi trong Giấy đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, sản phẩm thủy sản sống không thuộc đối tượng yêu cầu phải đăng ký xuất khẩu trên Hệ thống CIFER, và sản phẩm đăng ký phải thuộc danh mục sản phẩm được thẩm định, chứng nhận và nằm trong Danh mục 128 sản phẩm được Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu.

Do đó, các doanh nghiệp cần nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng trước khi hết hạn đăng ký. Việc thực hiện kịp thời và đúng quy định của GACC sẽ giúp hạn chế các ách tắc thương mại và đảm bảo hoạt động xuất khẩu không bị ảnh hưởng.

Quỳnh Chi - Nguyễn Thủy

nongnghiep.vn











10453664
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
508
1304
4781
10442795
22336
46203
10453664

Địa chỉ IP: 13.58.200.78
Giờ máy chủ: 2024-11-23 05:52:46
Visitors Counter