Mỹ sẽ kiểm tra 100% lô cá tra nhập khẩu từ tháng 8

Bạn đánh giá:  / 2
DỡHay 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) quyết định kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này theo chương trình thanh tra cá da trơn (hay còn gọi cá thuộc bộ Siluriformes) từ ngày 2-8 thay vì từ ngày 1-9-2017.

 

Thông tin nêu trên được ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận khi trao đổi với TBKTSG Online vào chiều hôm nay (10-7). Tuy nhiên, ông nói VASEP vẫn chưa rõ lý do tại sao USDA đưa ra quyết định trên sớm hơn 1 tháng.

Theo ông Hòe, trước thời điểm cuối cùng (31-8-2017), nhưng trong khoảng thời gian chuyển tiếp 18 tháng (từ 1-3-2016 đến 31-8-2017) của chương trình thanh tra cá da trơn được phía Mỹ đưa ra, thì doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào quốc gia này vẫn chịu sự kiểm soát của USDA. “Tuy nhiên, không bắt buộc 100% lô hàng phải vào i-house, là những cơ sở kiểm tra nhập khẩu được USDA chỉ định", ông Hòe cho biết và nói rằng chuyện tiến hành kiểm tra, thì USDA vẫn kiểm theo tần suất, tùy vào mức độ vi phạm, giữ hàng...

Ông Hòe cho biết, việc 100% lô hàng cá tra bị kiểm tra kể từ ngày 2-8 tới, tức 100% lô hàng trước khi đưa vào lưu thông tại Mỹ, thì phải đi qua I-house và tại đó USDA sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm về an toàn thực phẩm, bao bì…

Cũng cần nói rõ là trước khi USDA đưa ra thời hạn chuyển tiếp 18 tháng (trước ngày 1-3-2016) các i-house được USDA chỉ định chỉ thực hiện việc kiểm tra đối với các sản phẩm thịt, trứng và gia cầm…, chứ không kiểm tra sản phẩm cá tra (sản phẩm cá tra lúc bấy giờ do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) kiểm tra).

Cũng theo ông Hòe, nước Mỹ hiện có khoảng hơn 40 i-house được USDA chỉ định nằm ở các bang khác nhau. “Hiện không rõ năng lực của họ có đáp ứng đủ khi gia tăng thêm sản phẩm cá da trơn hay không?”, ông Hòe nêu câu hỏi và cho rằng với việc bổ sung cá da trơn, thì có 2 tình huống xảy ra:

Thứ nhất, những i-house này không tiếp nhận cá tra, bởi những i-house đó trước giờ chỉ chuyên về thịt, chuyên về sản phẩm khác, chứ không phải là cá da trơn.

Thứ hai là năng lực của những i-house này không đủ và có thể xảy ra tình trạng hàng hóa phải lưu kho dài hơn, dẫn đến việc kiểm tra của USDA cũng sẽ kéo dài hơn. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp phải trả chi phí lưu kho lớn hơn và không thể theo kế hoạch giao hàng của các nhà nhập khẩu bên phía Mỹ. “Đó là tác động lớn nhất”, ông Hòe cho biết.

Theo ông Hòe, việc kiểm tra sớm hơn 1 tháng không đáng lo ngại, bởi doanh nghiệp đã làm tốt việc đáp ứng các yêu cầu của phía Mỹ nên mới được xuất khẩu hàng sang Mỹ.

Theo thống kê của Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), hiện nay có 62 doanh nghiệp trong nước được cấp phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ theo chương trình thanh tra cá da trơn của quốc gia này. 

Còn về tình hình xuất khẩu, báo cáo của VASEP cho biết, 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 518,6 triệu đô la Mỹ, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 90,2 triệu đô la Mỹ, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Chánh - thesaigontimes.vn

 











10454253
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1097
1304
5370
10442795
22925
46203
10454253

Địa chỉ IP: 18.224.52.54
Giờ máy chủ: 2024-11-23 08:47:54
Visitors Counter