Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng ổn định, bền vững

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với các viện, trường và các doanh nghiệp (DN) triển khai ứng dụng các tiến bộ công nghệ trong nuôi tôm đã cải thiện năng suất tôm, cung cấp nguồn tôm thương phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời xây dựng thương hiệu tôm đạt chuẩn quốc tế, qua đó tạo đột phá trong ngành tôm nói riêng và kinh tế thủy sản nói chung theo hướng ổn định, bền vững, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh.

 

Tỉnh cũng đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi thủy sản theo hướng “mở và động” trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt chú ý đến quy hoạch vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) gồm nuôi tôm 2 giai đoạn, áp dụng các tiêu chuẩn GAP, nuôi tôm có mái che. Hình thành vùng nuôi tôm tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, việc hoàn thiện, mở rộng ứng dụng công nghệ sản xuất giống đã được đầu tư quy mô hơn, từng bước nâng cao chất lượng giống và chủ động về con giống của tỉnh. Nhiều DN có năng lực đã tham gia vào quy trình sản xuất giống thủy sản với công suất khoảng 3 - 6 tỷ con giống/năm. Công ty TNHH Việt - Úc có khu sản xuất giống tôm nước lợ tại xã Bảo Thuận với diện tích 55ha; Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH giống thủy sản Toàn Cầu. Tỉnh có 3 khu sản xuất giống tập trung tại xã Thới Thuận, Thừa Đức (Bình Đại) và xã Thạnh Hải (Thạnh Phú). Tuy nhiên, tỉnh mới đầu tư khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Thới Thuận, 2 khu còn lại chưa được đầu tư hạ tầng nên chưa thu hút được DN. Tỉnh đang phát triển nhiều chính sách thu hút đầu tư xây dựng trang trại sản xuất giống có quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian tới.

Nhiều mô hình nuôi tôm CNC đã được thử nghiệm, áp dụng như: Mô hình nuôi tôm CNC kết hợp sản xuất điện mặt trời; mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh và bán thâm canh toàn đực, mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa... Các mô hình đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Điển hình như mô hình nuôi tôm chân trắng theo hướng CNC dưới sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Mô hình này đã xây dựng nhiều điểm trình diễn trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú được phát triển từ năm 2016 với diện tích ban đầu 250ha, đến năm 2020 tăng lên 1.680ha (Bình Đại 800ha, Ba Tri 150ha, Thạnh Phú 730ha), năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ.

Các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ ngày càng được người nuôi quan tâm và phát triển. Bên cạnh đó, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ cũng nhận được sự quan tâm sát sao của địa phương. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc xây dựng vùng nuôi tôm tập trung, gắn với chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025 với các mục tiêu xây dựng 4.000ha nuôi tôm ứng dụng CNC tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, phát triển ít nhất 3 hợp tác xã (HTX) nuôi tôm ứng dụng CNC tham gia vào chuỗi tôm biển, đến năm 2025, sản phẩm nuôi tôm biển ứng dụng CNC được sản xuất dưới hình thức HTX đạt trên 60%, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, ASC, GlobalGAP), chiếm tỷ lệ trên 70% và thực hiện đăng ký nuôi để cấp mã nhận diện chiếm tỷ lệ 100%.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Châu Quang Trị, trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn và hội thảo về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, mô hình trình diễn cho bà con nông dân. Các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao đã được triển khai và khuyến khích nhân rộng ở các huyện như: Mô hình nuôi tôm càng xanh đơn tính tại 2 xã Lương Phú, Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm); mô hình cánh đồng nuôi tôm an toàn dịch bệnh với diện tích 65ha tại xã An Đức (Ba Tri); mô hình chuỗi giá trị tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh trên địa bàn xã Hưng Lễ và Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm); mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh và bán thâm canh với tôm toàn đực; mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại huyện Thạnh Phú. Trong giai đoạn 2018 - 2019, huyện Bình Đại đã xây dựng chuỗi sản xuất tôm biển ở hai xã Định Trung và Thạnh Phước; có 6 DN tham gia thu mua tôm theo hướng sinh học tại HTX Thủy sản sinh thái Thạnh Phước.

Bên cạnh đó, các hoạt động trong công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho người dân cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho nông dân, nhất là các kỹ thuật nuôi mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Các hoạt động nổi bật đã được triển khai như: Tập huấn kỹ thuật nuôi tôm biển thâm canh cho bà con nông dân xã Vĩnh An; phối hợp với Công ty Trúc Anh tổ chức hội thảo kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn cho bà con nông dân ở các xã có nuôi tôm huyện Ba Tri. Huyện Ba Tri cũng đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn mô hình áp dụng các biện pháp sản xuất thủy sản bền vững hướng tới chứng nhận nuôi tôm sinh thái. Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các xã An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thuận, Bảo Thạnh (Ba Tri) thành lập 7 tổ hợp tác nuôi tôm rừng và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, thức ăn cho hộ nuôi.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1 DN chế biến - xuất khẩu tôm là Công ty cổ phần XNK Lâm thủy sản Bến Tre với công suất 5.000 tấn/năm, hiện tại chỉ có thể đáp ứng 10% sản lượng tôm của tỉnh. Mặc dù nhu cầu tiêu dùng trong nước những năm qua có tăng lên nhưng nhìn chung không đáng kể, sản phẩm tiêu thụ chính là tôm ướp đá hoặc tươi sống. Sản phẩm tôm qua chế biến, phân phối tại các siêu thị rất ít, do tập quán người dân thích ăn tôm tươi chưa qua chế biến. Số lượng tôm còn lại chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái để vận chuyển đến các nhà máy ngoài tỉnh như: Cà Mau, Sóc Trăng, Nha Trang, Ninh Thuận.

 

Phan Châu - baodongkhoi.vn









10044034
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
171
1227
3199
10032960
63490
80492
10044034

Địa chỉ IP: 3.238.195.81
Giờ máy chủ: 2024-03-29 02:15:32
Visitors Counter