Nuôi tôm: việc ứng dụng RAS không thể chậm trễ hơn!

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn, Phòng thí nghiệm trọng điểm điều khiển số và kỹ thuật hệ thống, Trường đại học bách khoa TP.HCM khẳng định: việc ứng dụng RAS không thể chậm trễ hơn.

 

Nhiều cơ hội làm giàu từ nuôi tôm

Tại hội thảo về công nghệ nuôi trồng thủy sản tuần hoàn do Trung tâm thông tin và thống kê khoa học - công nghệ TP.HCM tổ chức, PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, cơ hội phát triển ngành nuôi tôm của Việt Nam rất lớn, nhưng phải có công nghệ phù hợp.

Hiện nay thế giới thiếu hụt khoảng 2 triệu tấn hàng năm, gấp 3 lần tổng sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu (đặc biệt vùng ĐBSCL) rất phù hợp để nuôi tôm: diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên  800.000 - 1.000.000 ha. Ngành tôm nước ta đã mở rộng được đầu ra khi thâm nhập được hơn 160 thị trường trên thế giới. Thủy sản có cơ hội phát triển lớn khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại, đặc biệt là con tôm có  lợi thế về thuế quan.

Định hướng phát triển ngành tôm Việt Nam sẽ thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới và ĐBSCL phải là “thủ phủ” của ngành công nghiệp, nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Ngành tôm trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp và trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, phấn đấu đạt khoảng 10% GDP cả nước vào năm 2025. Đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD  vào năm 2025.

Tuy nhiên, mục tiêu của ngành tôm đến năm 2025 là hết sức khó khăn, đòi hỏi có sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp cùng người nuôi. Vì vậy, ngay từ bây giờ, phải mạnh dạn đột phá vào khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất tốt, để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị ngành tôm mà không cần tăng thêm diện tích.

PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn nhận định, hệ thống nuôi tôm mở không còn phù hợp với ngành nuôi tôm Việt Nam do một số nhược điểm:  phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu; ao có diện tích lớn nên khó kiểm soát và xử lý kịp thời trước những biến động của các thông số môi trường nước; sử dụng rất nhiều nước để thay nước cho các ao, trong khi đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước và gặp nguy cơ xâm nhập mặn; không cách ly được khi có dịch bệnh xảy ra ở khu vực lân cận. Vì vậy, cần có sự thay đổi mang tính cách mạng, chuyển từ hệ thống nuôi tôm mở sang hệ thống nuôi tôm kín với chi phí thấp.

FAO và EUROFISH khuyến cáo áp dụng hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System – RAS). Hệ thống xử lý nước cơ bản gồm lọc cơ học, xử lý sinh học, cấp khí, xả khí CO2. Ngoài ra, có thể lắp thêm các thiết bị như cấp oxy hay hệ thống diệt khuẩn bằng tia cực tím, ozone, … Đối với Việt Nam, việc ứng dụng RAS không thể chậm trễ hơn.

Bộ môn nuôi trồng thủy sản, Đại học công nghệ Virginia, Mỹ nhận định, RAS là một cách nuôi trồng thủy sản mới và duy nhất. Thay vì nuôi thủy sản theo phương pháp truyền thống trong ao mở ngoài trời, hệ thống này nuôi thủy sản với mật độ cao, trong các bể (bồn) trong nhà với một môi trường được kiểm soát. Hệ thống tuần hoàn lọc và làm sạch nước để đưa về các bể nuôi. Khoa khoa học ứng dụng và kỹ thuật, Đại học công nghệ Ontario, Canada:  RAS đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo tính bền vững về môi trường trong ngành thủy sản. Trung tâm nghiên cứu quản lý bờ biển, Đại học Sodertorn, Thụy Điển: RAS cho các bể nuôi thủy sản, trong đó nước cùng với chất thải được xử lý cơ học và sinh học, rồi được đưa về lại bể nuôi đã trở thành giải pháp chính cho nuôi trồng thủy sản bền vững về mặt sinh thái quy mô lớn. RAS đặc biệt phù hợp ở những khu vực mà nguồn nước và tác động của chất thải ra môi trường xung quanh bị hạn chế.

Tự động giám sát chất lượng nước với chi phí thấp

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ và thiết bị công nghiệp Sài Gòn đã giới thiệu hệ thống giám sát tự động chất lượng nước nuôi tôm chi phí thấp e-Aqua. TS.Hà cho biết, việc giám sát các chỉ tiêu nước càng chặt để sớm xử lý vấn đề thì cơ hội nuôi thành công càng cao. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trang trại theo dõi chất lượng nước bằng các kit đo hay máy đo cầm tay với tần suất 1-3 lần/ngày. Nhược điểm là đêm không thể đo, trong khi đây là thời gian có độ rủi ro cao; tốn nhiều công, khó giám sát việc thực hiện chính xác, đầy đủ; việc lưu trữ dữ liệu cho việc tổng hợp, phân tích để cải tiến trong tương lai hầu như không thực hiện được; không thực hiện được cơ chế giám sát kép (giám sát người giám sát) và hạn chế trong việc cảnh báo; tốn kit đo, độ chính xác không cao (không thể hiện số); nhiều trường hợp quy trình đo khá phức tạp (nhiều bước).

Hệ thống giám sát tự động chất lượng nước nuôi tôm có ưu điểm là hiển thị số, đơn giản, không đòi hỏi kỹ năng của người sử dụng trong việc đo; thực hiện liên tục, suốt 24/24 giờ, ngày mưa, ngày nắng, ban ngày, ban đêm; không cần giám sát người giám sát vì đã tự động hóa; có thể lưu trữ dữ liệu để phân tích. Hệ thống đã được thử nghiệm và ứng dụng tại nhiều nơi cho kết quả ổn định, giá thành rẻ. 

Anh Thư - khoahocphothong.com.vn









10042991
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
355
453
2156
10032960
62447
80492
10042991

Địa chỉ IP: 54.160.133.33
Giờ máy chủ: 2024-03-28 13:16:07
Visitors Counter