Đẩy mạnh kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông thủy sản

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Sáng ngày 30/10, tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang đã diễn ra Hội nghị “Kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông, thủy sản năm 2017”. Hội nghị do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với UBND tỉnh An Giang và UBND TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức.

 

Ông Hoàng Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc hội nghị


Cũng trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ nông sản giữa TP. Móng Cái và tỉnh An Giang, tỉnh Đông Hưng (Trung Quốc) và các DN cùng hướng đến mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cho các bên. 

Kết nối, đẩy mạnh xúc tiến nông sản hàng hóa

Thông tin cụ thể về những mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh An Giang, ông Đoàn Minh Triết, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang - cho biết: An Giang là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích hơn 3.500km2, chiếm 8,7% diện tích tự nhiên toàn vùng, được thiên nhiên ưu đãi với hơn 70% diện tích là đất phù sa và có diện tích mặt nước ngọt lớn nên đã phát triển những mặt hàng nông thủy sản trở thành những sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Năm 2016, giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trên 700 triệu USD, trong đó thủy sản gần 250 triệu USD, hàng nông sản khác đạt 189,3 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2017 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 688 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 584 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Về thị trường, trong 9 tháng qua gạo xuất khẩu trực tiếp trên 55 nước, mặt hàng thủy sản xuất khẩu trên 76 quốc gia và rau quả là 23 quốc gia. Trong đó thị trường Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng nông sản của tỉnh An Giang và luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong thị trường xuất khẩu.

Theo ông Triết, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các nhóm sản phẩm tiềm năng và lợi thế của An Giang, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đồng bộ, đảm bảo theo tiêu chuẩn xuất khẩu. “Để thực hiện chúng tôi sẽ xây dựng triển khai các đề án vùng chuyên canh thuộc các sản phẩm chuối, xoài, rau màu, cá tra, tôm càng xanh, gạo nếp... Thực hiện đồng bộ chính sách đầu tư vào nông nghiệp nhằm khuyến khích các DN hợp tác đầu tư theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Đẩy mạnh ưu tiên hỗ trợ các DN đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông thủy sản... phục vụ thị trường xuất khẩu”- ông Triết nhấn mạnh.

Đối với TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Móng Cái- cho hay, Khu kinh tế Cửa khẩu (KKTCK) Móng Cái có vị trí địa lý nằm ở cực Đông Bắc của Tổ quốc, có địa chính trị chiến lược là một trong những cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với khu vực ASEAN và Đông Bắc Á; có nhiều tiềm năng về phát triển sản xuất, du lịch, thương mại và dịch vụ vận tải; là điểm hội tụ, cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các tỉnh, thành phố miền duyên hải phía Nam Trung Quốc, cũng như trong tiến trình hợp tác khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.

Ngoài ra, cửa khẩu quốc tế Móng Cái có lợi thế đặc biệt trong việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng với chi phí thấp so với các cửa khẩu trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Lợi thế này đặc biệt phát huy đối với các mặt hàng nông sản, hải sản, hoa quả...

Với thông điệp "Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái- Cửa ngõ mở ra thế giới", chính quyền địa phương luôn cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến DN, hỗ trợ, kết nối, xúc tiến, chia sẻ thông tin, đồng hành cùng DN.

Ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, mục đích chuyến xúc tiến lần này là chính quyền, nhà nước giữ vai trò dẫn đường để các DN kết nối tiêu thụ nông sản, hoa quả kết nối với nhau. Đồng thời lắng nghe ý kiến của các DN từ hai phía Trung Quốc và Việt Nam xem các DN cần gì, còn vướng mắc gì để tháo gỡ giúp DN. Đặc biệt thông qua hoạt động xúc tiến này sẽ giúp kết nối, sâu chuỗi, tạo sự hợp tác tin cậy trong các hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Bởi nếu như trước đây hoa quả của Việt Nam chỉ được xuất khẩu nhiều qua cửa khẩu Tân Thanh thì thời gian gần đây các loại hoa quả được được phép xuất qua cửa khẩu Đông Hưng - Móng Cái. Từ phía tỉnh Quảng Ninh cũng xây dựng cầu phao để phục vụ hoạt động lưu thông hàng hóa nhanh nhất vì đặc thù mặt hàng hoa quả rất mau hư hỏng. Từ phía DN cũng sẽ có nhiều lựa chọn song khu vực cửa khẩu Móng Cái có các điều kiện rất thuận lợi phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa nhất là hoa quả. 

Hội nghị “Kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông, thủy sản năm 2017” tại tỉnh An Giangị


Cần gỡ vướng cho DN 

Từ phía các DN, xuất khẩu vùng ĐBSCL cũng đánh giá cao tiềm năng thị trường Trung Quốc và mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc để DN có thể tăng trưởng xuất khẩu mạnh hơn vào thị trường này. Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết, đến nay thị trường Trung Quốc chiếm hơn 40% tổng sản lượng xuất khẩu của tập đoàn với tổng kim ngạch hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Trung Quốc là một thị trường quan trọng nhất với Sao Mai, với khả năng cung ứng tốt, sự tương đồng văn hóa, sự quan tâm của chính quyền hai nước chúng tôi tin tưởng Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của vùng ĐBSCL nói chung và của Tập đoàn Sao Mai nói riêng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho hay, thực tế còn khá nhiều khó khăn cho DN xuất khẩu sang Trung Quốc như đa số khách hàng chuộng nhập khẩu tiểu ngạch nhưng chính sách biên mậu lại chưa ổn định nên đôi lúc hàng hóa bị tắc nghẽn tại biên giới, gây thiệt hại lớn cho các DN xuất khẩu. Việc chuyển tiền thanh toán các đơn hàng xuất khẩu tiểu ngạch không được thuận lợi vì vậy nhiều công ty phải chọn phương thức chuyển tiền không an toàn, dễ có nguy cơ mất hết vốn...

Chú trọng vai trò và hiệu quả hoạt động xúc tiến, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang xem Trung Quốc là thị trường đầy tiềm năng. Trên cơ sở ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ nông sản giữa TP. Móng Cái và tỉnh An Giang ngày hôm nay cũng thể hiện niềm tin, quyết tâm của lãnh đạo An Giang, TP. Móng Cái, tỉnh Đông Hưng và các DN cùng hướng đến mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cho các bên.

Nhấn mạnh công tác phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương luôn ủng hộ và đồng hành cùng các địa phương trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng trong công tác phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản. Một số giải pháp trọng tâm của Bộ Công Thương trong thời gian tới là tập trung vào khâu đàm phán, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, tạo ra thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn cho nông sản hàng hóa của Việt Nam. Bộ sẽ thực hiện liên tục và thường xuyên các hoạt động kết nối cung cầu, gắn kết thị trường giữa các vùng miền trong nước. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối và các mô hình tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa sản xuất trong nước...

Ký kết hợp tác giữa Sở Công Thương An Giang với UNBD TP. Móng Cái


Dương – Thanh

baocongthuong.com.vn

 









10044141
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
278
1227
3306
10032960
63597
80492
10044141

Địa chỉ IP: 3.80.129.195
Giờ máy chủ: 2024-03-29 03:29:47
Visitors Counter