Nuôi trồng thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, chuyển dần từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh. Tuy nhiên, khi phải đối phó dịch bệnh trên đàn thủy sản, tình trạng người dân lạm dụng việc sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản vẫn còn xảy ra.

 

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 10.651 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó 9.842 cơ sở nuôi bằng diện tích mặt nước, 13 cơ sở nuôi lồng bè và có 796 cơ sở tham gia sản xuất cá giống. 7 tháng năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.300ha, tăng 0,12% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản đạt 11.281 tấn, tăng 0,4%; trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản là 10.091 tấn, sản lượng khai thác là 1.190 tấn. Trong những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản trở thành một ngành có đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp cải thiện sinh kế cho người nông dân, từng bước mở rộng quy mô và dần đi vào hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng nuôi trồng.

Hiện nay, việc nuôi thủy sản, nhất là các loại cá có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, cá trắm, cá diêu hồng… trong ao, lồng bè trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Trong nuôi trồng thủy sản, việc thời tiết biến đổi thất thường ảnh hưởng đến tình hình nuôi trồng của nhiều hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc nuôi cá theo hướng công nghiệp và tập trung thành vùng nuôi riêng, thâm canh thì dịch bệnh thường dễ xảy ra. Để giải quyết vấn đề này, một bộ phận người dân vẫn còn sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh để trộn vào thức ăn thả xuống môi trường nước nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Điều này không những gây ra nguy cơ tồn dư chất kháng sinh trong thủy sản mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiện đang thầu hơn 5ha diện tích mặt nước tại thôn Lương Thịnh, xã Tứ Yên (Sông Lô) để nuôi trồng thủy sản, có những năm, gia đình anh Đỗ Văn Bảy tưởng như mất trắng vụ nuôi do môi trường nước bị ô nhiễm, dẫn đến cá bị bệnh đỏ bụng, xuất huyết tróc vảy. Để xử lý môi trường nuôi bị ô nhiễm, anh Bảy sử dụng chế phẩm xử lý môi trường để kích thích sự phát triển của các vi khuẩn có lợi, làm giảm sự phát triển của những vi khuẩn có hại, giúp ổn định môi trường ao nuôi, chuyển hóa các chất hữu cơ như: Thức ăn dư thừa, cặn bã, xác tảo… Chia sẻ với chúng tôi, anh Bảy cho biết: “Trước kia, người nuôi trồng thủy sản thường "truyền tai nhau" việc sử dụng kháng sinh để trộn vào thức ăn cho cá làm cá tăng sức đề kháng, sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng đến chất lượng vật nuôi, sức khỏe của người tiêu dùng và tốn rất nhiều chi phí nên gia đình tôi đã tìm đến các loại chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi nhằm đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển tốt cho vật nuôi kết hợp với một số phương thuốc có sẵn trong tự nhiên như một số loại lá cây, vôi… nhờ đó, đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng thịt được đảm bảo”. Đến nay, đàn cá của gia đình anh Bảy sinh trưởng phát triển tốt, mỗi năm doanh thu từ nuôi trồng thủy sản của gia đình từ 200 – 300 triệu đồng.

Thay vì sử dụng kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, gia đình anh Nguyễn Đại Sơn, xã Tứ Yên (Sông Lô) hiện đang nuôi 3 lồng cá trắm, theo anh Sơn cho biết: Mùa mưa nước sông thường bị đục nên cá rất hay bị bệnh. Xác định được điều đó, anh Sơn không sử dụng thuốc kháng sinh mà dùng lá xoan ngâm trong nước từ 7 - 10 ngày; lá xoan phân hủy tạo ra một hợp chất kháng sinh tự nhiên làm chết trùng mỏ neo và các loài kí sinh trùng khác sống kí sinh trên thân cá, giúp cá sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, trước khi đưa đàn mới vào nuôi, anh Sơn thường sử dụng vôi thả vào lồng nuôi để khử trùng, ngăn vi khuẩn phát triển. Bởi vậy, gia đình anh Sơn đã tiết kiệm được chi phí sử dụng thuốc, chất lượng vật nuôi được đảm bảo, doanh thu từ nuôi trồng thủy sản của gia đình anh cũng đạt từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, chị Phan Thị Luyến, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Thủy sản cho biết: Nguồn kháng sinh tự nhiên có trên cây cỏ giúp người nuôi thủy sản nếu biết sử dụng sẽ phòng trị được các dịch bệnh trên thủy sản mà không gây ra tình trạng tồn dư kháng sinh, không gây hại tới môi trường. Ở các vùng nông thôn, có rất nhiều loại cây cỏ có thể dùng thay thế cho kháng sinh mà người nuôi trồng nên dùng thường xuyên để phòng trị bệnh cho thủy sản như: Tỏi, xoan, sài đất, màu hoa đỏ… Cơ chế tác động của những loại kháng sinh trong tự nhiên sẽ giúp đem lại những sản phẩm thủy sản an toàn. Việc nuôi trồng thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường sẽ giúp mang đến nhiều lợi ích cho các hộ dân.

Để quản lý, chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, thời gian tới, các ngành chức năng, đơn vị tích cực vào cuộc quy hoạch, thiết kế vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi. Tăng cường quản lý chất lượng con giống, cơ sở sản xuất giống; chất xử lý cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học, thức ăn; tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường để hạn chế thiệt hại cho nông hộ… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản sử dụng các loại kháng sinh có trong cây cỏ tự nhiên nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi, khử trùng môi trường nuôi, diệt khuẩn, bảo vệ sức khỏe của đàn thủy sản. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi trồng thủy sản.

Ngọc Lan - baovinhphuc.com.vn

 

 

 









10045236
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Cuối tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1373
1227
4401
10032960
64692
80492
10045236

Địa chỉ IP: 3.90.35.86
Giờ máy chủ: 2024-03-29 15:20:34
Visitors Counter